Thị trường nghệ thuật đang đi xuống, kéo theo số phận Sotheby’s

(DNTO) - Sotheby's, một trong những nhà đấu giá hàng đầu thế giới cho các tác phẩm nghệ thuật đang phải vật lộn với những thách thức tài chính nghiêm trọng giữa bối cảnh thị trường đặc thù này đang suy giảm.

Thế giới nghệ thuật gắn liền với đồng tiền. Ảnh: WSJ
Sotheby's, tập đoàn đa quốc gia, được thành lập tại Anh Quốc và có trụ sở chính tại New York, là một trong những nhà môi giới lớn nhất cho các tác phẩm mỹ thuật, trang trí, đồ trang sức và đồ sưu tầm có giá trị cao.
Sotheby's từng cưỡi làn sóng thị trường nghệ thuật sôi động trong những năm trước, mang lại doanh thu ít nhất 7 tỷ USD hàng năm với các mức giá kỷ lục cho các sản phẩm từ Gustav Klimt và René Magritte.
Công ty, do tỷ phú Patrick Drahi sở hữu, đã hứng chịu hàng loạt vấn đề về tài chính, từ trễ trả lương bổng cho các nhân viên vận chuyển, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật, đến các khoản nợ đã đạt tới hơn 1,8 tỷ đô la (2024).
Cơn khủng hoảng của Sotheby's diễn ra trong bối cảnh thị trường nghệ thuật đang đi xuống. Trong năm qua, những nhà sưu tập vốn xem các tác phẩm nghệ thuật như một tài sản tài chính đã phải nhăn mặt khi đối đầu với lãi suất cao và lạm phát khiến việc buôn bán nghệ thuật trở nên đắt đỏ.
Những người mua tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng không thể gánh cái giá ngày càng cao cho các nghệ sĩ mới nổi. Một số phòng trưng bày nhỏ, dựa vào các nhà sưu tập để định vị giá trị cho các nghệ sĩ vô danh, đã phải đóng cửa, trong khi các đại lý báo cáo doanh thu mờ nhạt tại các hội chợ nghệ thuật.
Người sở hữu Sotheby's là tỷ phú người Pháp-Israel, Patrick Drahi, vốn nổi tiếng với phương thức sử dụng nợ để xây dựng “đế chế” truyền thông Altice. Ông sử dụng chiến thuật tương tự để mua lại Sotheby's với cái giá 2,7 tỷ đô la. Kể từ lúc đó, ông đã vung tay chi tiêu, như ký kết chi trả 100 triệu đô la để thuê tòa nhà Breuer tại New York làm trụ sở chính. Sotheby's đã chi thêm hàng chục triệu USD để cải tạo các không gian mới theo phong cách bán lẻ sang trọng ở Paris và Hồng Kông.
Drahi cũng mở rộng tầm hoạt động của Sotheby's. Bằng cách mua một phần của công ty bất động sản Concierge; công ty này nay có thêm chức năng bán đấu giá những ngôi nhà trị giá hàng triệu đô la. Ông cũng bổ sung thêm RM Sotheby's, một tổ chức con, chuyên bán ô tô cao cấp.

Sotheby's có thỏa thuận trả ít nhất 100 triệu USD cho tòa nhà Breuer lịch sử của New York. Ảnh: WSJ
Ở thời kỳ vàng son, nợ nần chồng chất của Sotheby's đã không làm những nhà sưu tập nghệ thuật giàu có đến từ Trung Quốc, Nga, Trung Đông ái ngại, thậm chí các tên tuổi từ thế giới cryptocurrency cũng nằm trong danh sách khách hàng của Sotheby's.
Điều đó đã thay đổi khi thị trường hạ nhiệt. Sotheby's đã phải thú nhận rằng phân khúc đấu giá của họ đã lỗ 115 triệu USD trong nửa đầu năm 2024, so với mức lãi 3 triệu USD cùng kỳ trong năm 2023.
Trước những khó khăn này, Sotheby's đã tìm đến quỹ chủ quyền của Abu Dhabi, ADQ, cam kết mua lại một phần vốn thiểu số của Sotheby's bằng cách bơm 1 tỷ đô la vào công ty. Tuy nhiên, thương vụ này phải đến cuối năm nay mới ngã ngũ, khiến tình hình vẫn rất mong manh. Công ty xếp hạng tín dụng Moody's Investor Service vào tháng 2 đã hạ xếp hạng trái phiếu của Sotheby's xuống B3, một trong những mức thấp nhất.
Hiện tại, Sotheby's phải thực hiện nhiều phương thức chống đỡ. Các động thái đó bao gồm một chính sách chi trả gây nhiều tranh cãi, buộc người mua phải trả 20% cho tất cả các giao dịch thấp hơn 6 triệu đô la, và 10% cho mức cao hơn. Đối với người bán, Sotheby’s thu phí 10% cho 500,000 đô la đầu tiên của bất kỳ tác phẩm nào họ nhận bán với giá 5 triệu đô la trở xuống.
Cố vấn nghệ thuật Anthony Grant, cựu chuyên gia của Sotheby's, lo ngại sự thay đổi này có thể khiến người bán các tác phẩm tầm trung chuyển sang những nhà đấu giá khác, vốn không tính thêm bất kỳ khoản phí nào.
Thị trường châu Á có vai trò cực kỳ quan trọng cho Sotheby's cũng như các nhà đấu giá nghệ thuật khác.

Một phòng trưng bày tại Sotheby's Maison, không gian mới ở Hồng Kông của Sotheby's. Ảnh: WSJ
Trong những năm gần đây, những nhà đấu giá giàu có mới nổi ở châu Á – đến từ Trung Quốc đại lục, Seoul của Hàn Quốc, và Singapore, là giới khách hàng thu mua các tác phẩm nghệ thuật có mức giá cao. Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, làm dấy lên lo ngại người mua không còn mặn mà với các tác phẩm nghệ thuật như một loại tài sản đầu tư nữa.
Thay vì ”co vòi”, các nhà đấu giá lớn lại đang tăng cường quy mô tại châu Á. Sotheby's và đối thủ Christie's đều vừa khai trương không gian triển lãm mới sang trọng ở Hồng Kông. Không gian Sotheby's Maison ở khu Central của Hồng Kông, khai trương vào cuối tháng 7, cho biết đã có 300.000 du khách.