Tết vui thôi đừng vui quá
(DNTO) - Mời nhau chén rượu ngày xuân là một nghi thức không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền. Buồn thay, ngày nay, nét đẹp văn hóa này đã bị biến tướng. Rượu bị lạm dụng tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt. Thực tế cuộc sống chứng minh, ngày càng có nhiều tai nạn xảy ra mà nguyên nhân là do rượu. Đặc biệt là tai nạn giao thông.
Từ xa xưa trong quá trình chinh phục thiên nhiên, để tạo sự hứng khởi, tăng hiệu quả trong lao động sản xuất, để chống lại nỗi cô đơn hiu hắt giữa đồng không mông quạnh, giữa sông nước mênh mang, giữa rừng thiêng nước độc… con người đã mượn men rượu như là một giải pháp.
Rượu dần dần đi vào đời sống con người. Rượu không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới xin, tiệc tùng, hội hè, đình đám lẫn trong sinh hoạt đời thường.
Với người đã khuất, rượu còn là nhiệm vụ kết nối tâm linh giữa dương gian và nơi chốn vĩnh hằng…
Rượu là biểu tượng của sự tri kỷ, tri âm. Rượu còn được xem là thú vui tao nhã. Rượu làm cho đầu óc khai thông, tâm hồn cởi mở… Trong giao tiếp hằng ngày, rượu còn được qui ước hẳn hòi: "Trà tam rượu tứ",“Vô tửu bất thành lễ”. Rượu cũng dùng làm thước đo bản lĩnh đàn ông: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Rượu không chỉ đặc quyền của đàn ông, phụ nữ cũng có mặt trong hàng ngũ “đệ tử Lưu Linh”
Uống rượu đã trở thành một truyền thống, một nét văn hoá riêng của mỗi vùng miền cũng như của mỗi quốc gia.
Buồn thay, ngày nay, nét đẹp văn hóa này đã bị biến tướng. Rượu bị lạm dụng tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt. Người ta sát phạt thúc ép nhau cho bằng “chết” mới “đã nư”, bất chấp tửu lượng mỗi người mỗi khác.
Thực tế cuộc sống chứng minh, ngày càng có nhiều tai nạn, nhiều vụ án xảy ra mà nguyên nhân là do rượu. Nói đến tai nạn và tội ác do rượu gây ra thực là vô cùng. Đặc biệt là tai nạn giao thông.
Trong 4 ngày thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân 2024 (11/1 đến 14/1), cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý gần 40.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó 9.098 lái xe có nồng độ cồn trên cả nước…
Trở về sau tiệc sinh nhật, vào hồi 1h40 sáng ngày 14/1, P.T.N.M. (23 tuổi, ngụ xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) lái xe con chạy trên quốc lộ 1 theo hướng Bắc - Nam. Khi đến km 522+100 (thuộc địa bàn thôn 7, xã Cẩm Quang) thì tông vào anh L.N.Q. (ngụ tỉnh Phú Yên) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. P.T.N.M. sau đó bị tạm giam và khởi tố bị can để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của chị M. là 0,385mg/lít khí thở.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 31/1, tại km 52+100 tỉnh lộ 429C đoạn qua thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) khiến hai nữ sinh cùng sinh năm 2008 chở nhau trên xe máy điện tử vong, cũng có nguyên nhân do tài xế đều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt mức kịch khung (trên 0,4mg/l khí thở).
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30/12/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được xem là “liều thuốc” kéo giảm số vụ tại nạn giao thông hằng năm về cả số vụ và số người thương vong. Mặc dù bên cạnh yếu tố tích cực vẫn còn có một số bất cập gây ra khá nhiều tranh cãi nhưng Nghị định này đã được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ.
Tết Nguyên đán gần kề, đây là dịp để mọi người có cái cớ hợp tình hợp lý mà chén tạc chén thù. Trước tết là tất niên, tổng kết, họp mặt cuối năm. Trong tết là thăm viếng lễ nghĩa, chúc tụng. Sau tết là tân niên, xuất hành, khai trương…
Mong rằng bên cạnh hình thức xử phạt của lực lượng chức năng thì mỗi người tham gia điều khiển phương tiện giao thông cũng cần nâng cao ý thức nhằm bảo vệ mình và mọi người xung quanh, để ai cũng có được những ngày Tết vui vẻ an toàn.