SMBC chia tay Eximbank tìm 'duyên mới'
(DNTO) - Việc SMBC rút chân ra khỏi Eximbank dường như không bất ngờ với nhiều người, khi những mâu thuẫn nội bộ của họ đã diễn ra triền miên nhiều năm nay, nhất là khi SMBC đã tìm được mục tiêu mới.
Đã đến lúc đường ai nấy đi
Ngày 8/2, phía Eximbank công bố thông tin bất thường trên trên trang Web của mình về việc chấm dứt trước thời hạn "Thỏa thuận liên minh chiến lược" giữa ngân hàng này và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), một tập đoàn tài chính lớn, hiện đang có trụ sở chính tại Yurakucho, Chiyoda, Tokyo, Nhật Bản.
Như vậy với thông báo này, những đồn đoán trước đó đã hoàn toàn sáng rõ, mối lương duyên không mấy êm đẹp giữa hai tổ chức này cuối cùng đã đi đến hồi kết sau hơn 15 năm không mang lại quả ngọt.
Trước đó, vào ngày năm 2007, với tham vọng về của mình, SMBC đã chi ra gần 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó), để được nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank. Thời điểm đó, Eximbank là một tên tuổi sáng giá khi năm 2007, lợi nhuận sau thuế đã đạt là 463 tỷ đồng, năm 2009 là 1.132 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2020 con số này là 1.020 tỷ đồng và năm 2021 chỉ còn 965 tỷ đồng, giảm 10% so với 2022. Tổng tài sản của ngân hàng hiện đang ở mức thấp so với toàn ngành.
Không chỉ kết quả kinh doanh ảm đạm, nội tình của Eximbank lại gặp trắc trở mâu thuẫn. Eximbank chật vật với việc tổ chức Đại hội cổ đông thường niên hàng năm khi nhiều lần tổ chức mà bất thành. Ngày 15/2 tới, ngân hàng dự định sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2021 sau 2 lần hủy hoãn khiến các cổ đông lại được dịp hồi hộp chờ đợi.
Trong khi đó, tiếng nói của SMBC tại Eximbank lại khá yếu ớt. Năm 2019, SMBC đã rút đại diện ra khỏi Eximbank. Từ ngày 9/12/2019, ông Yasuhiro Saitoh không còn là đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC.
Như vậy, sau khoảng 15 năm, những kỳ vọng của SMBC về Eximbank (mã chứng khoán: EIB) không được như mong đợi. Tính đến quý 2 năm 2021, với 15% cổ phần, SMBC mới đạt đến điểm hòa vốn. Đến hôm nay, giá cổ phiếu của EIB đã đạt 37.500 đồng/cp, tăng gấp đôi so với quý 2 thì lợi nhuận mà SMBC đem về cũng còn khiêm tốn.
Như vậy việc SMBC buông tay Eximbank chỉ là câu chuyện sớm hay muộn khi mà mâu thuẫn của hai bên chưa biết khi nào tìm được lời kết.
Duyên mới?
Vào tháng 4/2021, SMBC đã hoàn tất thương vụ mua 49% cổ phần tại Công ty Tài chính Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của Ngân hàng VPBank (VBP). Với mức định giá là 2,8 tỷ USD, FE Credit đã mang về cho VPBank gần 1,4 tỷ USD (hơn 30.000 tỷ đồng).
Cũng trong tháng 10/2021, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD, một minh chứng tích cực cho mối quan hệ giữa hai tổ chức này. Bản thân VPBank cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác ngoại, nhất là khi room ngoại cho phép.
Theo một chuyên gia kinh tế, SMBC đầu tư vào FE Credit không đơn thuần là mua lại vốn của công ty nắm giữ thị phần chi phối trên thị trường, mà trong tương lại SMBC có thể là đối tác chiến lược của VPBank. Do đó, giá trị 1,4 tỷ USD cho 49% của FE Credit hoàn toàn không phải là cao, đặc biệt những giá trị cộng hưởng mà hoạt động M&A này mang lại.
Nhất là khi quy định trong lĩnh vực ngân hàng không cho phép các tổ chức tín dụng nước ngoài trở thành cổ đông chiến lược cùng lúc hai ngân hàng sở hữu 15% cổ phần/mỗi ngân hàng, thì việc SMBC ra đi khỏi Eximbank là điều dễ hiểu.
Sau tất cả, người ở lại sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Giá cổ phiếu EIB hai hôm nay bắt đầu giảm. Kết năm 2021, Eximbank cũng chỉ thực hiện được 93% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, năm 2022, EIB đặt mục tiêu: tổng tài sản tăng 7,8%; lợi nhuận trước thuế tăng 127%.