Rong chơi cùng Tiên tửu
(DNTO) - Tết đến, Xuân về, với người Việt Nam, bên mâm cơm ngày đoàn tụ tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới đến, không thể thiếu ly rượu mừng, chúc cho nhau những điều may mắn.
1. Theo lời mời của gia chủ giới thiệu một loại rượu truyền thống rất hợp với không khí ngày tết, chúng tôi có mặt tại nhà anh Ngụy Hoàng Nam (còn có tên Nam Tiên tửu) tại quận 7, TP.HCM.
Đón bạn bè từ cổng, Nam đưa mọi người vào phòng khách ở tầng hai, nơi anh dành ra hai phòng để trưng bày các loại rượu. Những bình rượu sóng sánh ánh lên sắc vàng quyến rũ được Nam đặt tên là Tiên tửu, như một lời nhắc nhở về việc nếu sử dụng đúng cách, rượu quý sẽ là món quà cho con người, không thể thiếu trong những dịp quan trọng của cuộc sống.
Ngày xuân, thời tiết mát mẻ, trong gian phòng ấm áp, câu chuyện giữa chúng tôi trở nên sôi nổi hơn khi những ly rượu Hoàn xuân tửu được chủ nhà mang ra đãi khách. Chiêu một ngụm, tận hưởng cái vị nồng nồng, ngọt đầu lưỡi, tê cay còn giữ lại, khách càng cảm nhận được cái nóng như lan truyền khắp cơ thể.
Sau một năm vất vả mưu sinh đời thường, những ngày tết sum vầy cùng gia đình, bạn bè là niềm vui của mọi người. Bên bàn tiệc với chén rượu, người ta có thể dễ dàng sẻ chia, tâm sự. Mỗi cái chạm cốc đều thể hiện những tình cảm riêng. Nó có thể thay một lời chúc, câu cảm ơn hay một lời xin lỗi. Dường như qua những cái chạm cốc, con người ta dễ dàng bỏ qua những vướng mắc, dễ dàng tìm thấy sự đồng điệu cùng nhau.
Dường như càng uống, chúng tôi càng thấy tỉnh táo, bởi trong niềm vui sum họp bạn bè, chén rượu tình thân trở nên tinh tế và ngon hơn nó vốn có. Trước thắc mắc của mọi người, Hoàng Nam khẳng định, Tiên tửu uống vào dù nhiều hay ít, nhưng hôm sau người uống sẽ không bị cảm giác đau đầu vì đây là loại rượu do chính anh nghiên cứu, sản xuất thành công sau nhiều năm mày mò tìm hiểu.
“Để cho ra được những giọt rượu nếp thơm ngon quả thực không hề đơn giản chút nào, đòi hỏi phải có sự công phu và trau chuốt. Nếp được dùng làm rượu phải là nếp cái hoa vàng vẫn còn nguyên lớp vỏ lụa và lớp cám nên rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, lipid, các nguyên tố vi lượng và vitamin.
Men sử dụng ủ rượu nếp cũng được làm từ nhiều loại thảo dược để triệt tiêu các vi sinh vật có hại, tạo mùi thơm cho rượu. Thời gian ủ phải trên 12 tháng để triệt tiêu cồn, độc tố còn sót lại trong rượu. Chất lượng rượu ngon hay không còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, đòi hỏi người làm rượu phải biết đánh giá tình hình trong suốt quá trình chế biến rượu nếp”, Hoàng Nam cho biết.
Đặc biệt, anh cũng tiết lộ bí quyết, để ủ ra những giọt rượu nếp cái hoa vàng nguyên chất Bắc bộ, màu vàng sóng sánh, hậu vị ngọt thanh mà không gắt, men rượu thuốc Bắc đóng một vai trò không hề nhỏ. Men thuốc Bắc có hơn 30 vị, tiêu biểu có: tế tân, hoa hồi, quế chi, đậu khấu, bạch chỉ, xuyên khung, đinh hương, cam thảo… Trong một lứa men, người ta chọn những viên men chuẩn nhất để làm men giống.
2. Chia sẻ về hành trình tâm huyết làm ra Tiên tửu có xuất xứ từ miền Tây, Hoàng Nam dành nhiều cảm xúc và ấn tượng cho vùng đất Cao Lãnh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều năm làm việc cho các công ty nước ngoài, Hoàng Nam quyết định “trốn chạy” phố thị ồn ào để về vùng đất Đồng Tháp. Tại đây, sau những cảm xúc bình yên với cảnh vật và người dân quê chân tình, Hoàng Nam cũng tìm được cách “se duyên” gạo nếp miền Bắc với điều kiện thiên nhiên Nam bộ, cho ra đời một sản phẩm thuần Việt được bạn bè yêu thích.
“Trong một lần về quê hương Bắc Giang giỗ mẹ, tôi được uống một ly rượu nếp cái hoa vàng nhà làm. Như một phát hiện kỳ diệu, tôi quyết định phải tìm ra cách làm loại rượu ngon như vậy. Thứ rượu mà từ màu, mùi và vị đều tuyệt vời. Đã quyết định nên tôi mua 10kg gạo nếp cái hoa vàng vụ mùa và mang vào miền Tây, bắt đầu “cuộc cách mạng” với bản thân. Tôi tin, đây là quyết định thay đổi cuộc đời mình”, Hoàng Nam kể.
Tuy nhiên, hành trình làm “cách mạng” của Hoàng Nam không hề đơn giản. Những ngày đầu mày mò tìm nguyên liệu làm cơm rượu, ủ nếp, ngâm gạo… anh đã trải qua không ít lần thất bại, phải đổ bỏ hàng trăm ký nguyên liệu. Sau nhiều lần kiên trì, đến khi mẻ rượu đầu tiên thành hình sau 1 năm chiết xuất với màu-hương-vị sóng sánh, thơm lừng, được bạn bè trên bàn tiệc tán thưởng, anh mới biết mình đã tìm được công thức mới cho rượu nếp cái hoa vàng theo đúng khẩu vị mong muốn.
Với Hoàng Nam, niềm vui không chỉ là tìm ra một sản phẩm tốt cho mọi người mà theo anh, đó còn là nỗi đau đáu khi muốn nâng tầm giá trị cho sản phẩm rượu truyền thống. Rượu được xem là thứ đồ uống sẽ luôn tồn tại trong đời sống. Người Việt Nam lấy lúa gạo làm lương thực chính cùng nhiều loại ngũ cốc như ngô, khoai, sắn. Trong nhiều nghi thức truyền thống của người Việt như cưới xin, cúng giỗ, ma chay, lễ hội, rượu là đồ uống, đồ cúng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đến nay, sau 7 năm ủ rượu theo quy trình khép kín, Công ty Thiên Tiên Tửu của Hoàng Nam đã đưa ra thị trường ba loại: Tiên tửu, Hoàn xuân tửu và Hoàng hoa tửu (kết hợp với 14 vị thuốc Bắc gia truyền), được đánh giá là một trong những loại rượu truyền thống Việt đậm đà, đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước.