Phiên chợ xanh tử tế: Mở cánh cửa cho nông sản Việt bước ra thế giới
(DNTO) - Mỗi cuối tuần, một phiên chợ mang tên “Phiên chợ xanh tử tế” họp lại trong một không gian nhỏ xinh trên đường Pastuer (quận 3, TP.HCM). “Tiếng lành đồn xa”, người mua người bán háo hức chờ đợi, sau nhiều năm, không gian phiên chợ vẫn vậy, nhưng nhiều thương hiệu nông sản Việt đã vươn tầm thế giới.
Từ tử tế trong cái… “ao làng”…
Đến Phiên chợ xanh tử tế vào một cuối tuần những ngày cuối năm, phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Trẻ thật sự phấn chấn với những sản phẩm nông sản vừa chân chất mộc mạc, vừa đặc trưng sáng tạo của những người nông dân chính hiệu. Ngoài rau củ quả xứ miệt vườn và các món ăn dân dã Việt Nam, thì nhiều sản phẩm mới mẻ làm từ nguyên liệu quen thuộc như quế, chanh sả, cacao, cà phê, tre nứa, con tôm, cây dừa… khiến người mua người bán rưng rưng tự hào.
Phiên chợ như điểm xanh “quyến rũ” với người dân thành phố, nhất là những người quan tâm đến an toàn cho sức khoẻ. Chị Vân (quận 5, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đi chợ này cho cả tuần, vì tôi cảm nhận rau sạch, hương vị rau đồng quê thơm rất đặc trưng so với những rau cùng loại bán ở nhiều nơi khác”. Một bạn trẻ tên Long (quận Thủ Đức) thì đến chợ vì đam mê món ăn quê dân dã: “Tôi lên trang Facebook của phiên chợ, đợt nào có giới thiệu trước món ăn quê là tôi phải đến ăn cho được, hôm nào đi trễ một chút là bán hết sạch. Món ăn bán ở chợ này đúng chất quê mỗi miền, chứ không biến tấu cho hợp khẩu vị nhiều người”. Chị Kim Nương (Bình Dương) thì nhận xét: “Đi chợ này xa và hơi đắt xíu nhưng tôi có niềm tin vào chất lượng. Đắt thì mình tiêu ít lại, miễn là đảm bảo sức khoẻ”.
Về phía các chủ gian hàng, khi được tham gia chợ có nghĩa sản phẩm của họ đã đạt một số tiêu chí nhất định, đáp ứng tính an toàn cho người sử dụng. Theo chị Ngô Thị Trang, đại diện shop Fuwa3e, có thâm niên bán tại chợ hơn 2 năm thì “lý do tham gia phiên chợ là để quảng bá sản phẩm, ở đây, quy trình được duyệt rất nghiêm ngặt, phải có đầy đủ các giấy chứng nhận về chỉ số an toàn, bên phía Trung tâm BSA còn xác minh năng lực, đảm bảo sản phẩm chất lượng mới được vào chợ”.
Chủ quầy Quế Rừng Xanh cũng cho biết: “Khi mới tham gia chợ, không nhiều người biết đến, nhưng dần dần người mua quen hàng, tin tưởng chất lượng nên bán ngày càng nhiều hơn, và kênh phân phối khác cũng được mở rộng”. Đại diện thương hiệu trà thảo mộc Dược liệu miền Tây Hygie and Panacee cũng đồng quan điểm về giá trị mà Phiên chợ xanh tử tế mang lại.
Theo chia sẻ của bà Vũ Kim Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp - BSA), 90% doanh nghiệp tham gia phiên chợ là những cá nhân xuất sắc đạt giải cuộc thi Dự án khởi nghiệp do BSA tổ chức, sau đó trung tâm tư vấn, hỗ trợ các bạn trẻ phát triển kinh doanh, kiểm tra sát sao quy trình sản xuất và năng lực doanh nghiệp, đồng hành cùng họ đưa sản phẩm đi xa hơn.
Bao năm trôi qua, không gian Phiên chợ xanh tử tế vẫn thế, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng lên nhưng số lượng xuất hiện mỗi tuần vẫn giữ con số cố định và sắp xếp luân phiên nhau vì không đủ mặt bằng, nhưng đằng sau đó là bước tiến dài, nhiều thương hiệu Việt miệt mài với hành động tử tế, mang đến sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng trong nước và vươn tầm quốc tế.
…đến nâng cấp tư duy kinh doanh
Nói về rau trong phiên chợ có thể kể đến những doanh nghiệp tham gia lâu năm như rau Trà Vinh, rau An Phú, rau Kiến Huy… họ là người đứng ra liên kết với các hộ dân trong vùng, hỗ trợ giải pháp canh tác và giải quyết đầu ra, giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống.
Kể về những chuyến khảo sát vườn rau sau đợt dịch Covid-19, bà Vũ Kim Anh nói: “Đắng lòng khi thấy những cánh đồng rau ngập mặn, thiếu nước, người dân không chăm sóc vì không có đầu ra, bán không được”. Giờ các doanh nghiệp mang rau ra chợ không chỉ bán rau an toàn đến người tiêu dùng mà còn là hành trình tử tế giúp người dân mưu sinh.
Đến nay, Phiên chợ xanh tử tế đã trở thành một nơi cung cấp sản phẩm, lấy ý kiến người tiêu dùng, kết nối doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm ở các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, nhà hàng và cửa hàng…, đưa doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tham quan những khu sản xuất nông sản lớn, gặp gỡ các đối tác trong và ngoài nước.
“Sau cuộc thi dự án khởi nghiệp, các bạn chủ dự án được thâm nhập vào nhiều hệ thống khác, và họ hiểu phải có đủ các tiêu chuẩn thì sản phẩm mới đi xa được”, bà Vũ Kim Anh nhấn mạnh. Hiện, hàng loạt doanh nghiệp như Cơm cháy Smile, Ống hút gạo Ohuga, Gia vị Trí Kiên, Bột rau má Quảng Thanh, Dược trà Cần Thơ, Mắm xứ Gò… đã và đang tự nâng cấp nhà xưởng, đạt các chứng nhận về an toàn sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp số lượng lớn ra thị trường.
Từ đây, nhiều sản phẩm Việt đã xuất chính ngạch hàng thực phẩm đi các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật như Mật hoa dừa Stockfarm, Gia vị YesHue, Cơm cháy Smile… Theo bà Vũ Kim Anh: “Muốn xuất đi nước nào phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của nước đó, đáp ứng được tiêu chuẩn của từng nước, chuyện xúc tiến thương mại trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Do đó, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu thì phải dám thay đổi, dám sáng tạo, dám đổi mới, thực hiện theo tiêu chuẩn của nước sở tại”.
Cùng với đó là phát triển sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp Việt đã làm tốt điều này như Sen Đồng Tháp, từ sen đã làm ra những sản phẩm như vải vóc, giày dép, thực phẩm, vật dụng hàng ngày; Hương bột rau (Củ Chi) có nhiều sản phẩm từ rau má như bột rau má nguyên chất, bột rau má đường phèn, bột rau má đậu xanh, bột rau má dừa…; Thành con Tôm sản xuất nhiều sản phẩm từ tôm chứ không chỉ có vài loại tôm khô… Khi phát triển chuỗi sản phẩm như vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, sáng tạo và gắn với thị trường thực tế.
Năm 2023, Phiên chợ xanh tử tế vẫn tiếp tục hoạt động như một điểm kết nối giữa nhà nông, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, và BSA sẽ có nhiều chương trình hơn để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Việt đẩy các sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường lớn hơn, thành lập nhóm các thế hệ khởi nghiệp thành công sẽ hỗ trợ thế hệ khởi nghiệp mới.