Ông Đồ mê ông Địa
(DNTO) - Ông đồ Nguyễn Hiếu Tín không chỉ được biết đến là nhà thư pháp tài hoa, nổi bật với nhiều công trình nghiên cứu sâu về nghệ thuật thư pháp chữ Việt, mà còn là nhà sưu tập tem có hạng với nhiều giải thưởng lớn trong, ngoài nước. Gần đây anh lại bén duyên với những hiện vật gốm sứ Nam bộ, và có niềm đam mê đặc biệt với những hình tượng ông Địa mộc mạc, dân dã, hình thành nên bộ sưu tập ấn tượng, độc đáo.
Ông Địa không chỉ là vị thần gần gũi với người dân Nam bộ, mà còn là một nét đẹp văn hóa, biểu thị cho sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người ở vùng Nam bộ lúc khẩn hoang; là biểu tượng cho tinh thần hào sảng, may mắn, ước mơ của người dân trong quá trình lao động và sáng tạo.
Bộ sưu tập trên 300 ông Địa cổ xưa
Trong ngôi nhà 4 tầng của mình, anh Nguyễn Hiếu Tín dành hết không gian để bày trí các loại đồ gốm, tượng gỗ lũa, ấm trà, tranh ảnh... biến nơi đây như một bảo tàng thu nhỏ. Mỗi bộ sưu tập, anh lại phân loại thành nhiều chủ đề khác nhau, theo từng chất liệu: hình tượng phụ nữ Việt Nam trên gốm Biên Hòa, gỗ lũa Đạt Ma sư tổ, không gian sách chuyên đề, nhóm tượng tam không, tranh thầy đồ dạy học...
Một chủ đề đặc biệt là hình tượng ông Địa, được anh trưng bày ở cuối nhà, nơi giếng trời, có ánh sáng tự nhiên chiếu xuống. Ban đầu, anh để mấy ông ở ngoài phòng khách, gian trước nhà, nhưng mỗi ngày sưu tập càng nhiều ông, nên phải “quy hoạch đất” riêng cho các ông. Theo lý thuyết, ông Địa là vị thần Đất, phải để dưới đất thì mới linh, nhưng do không gian trưng bày còn khiêm tốn, anh đã thiết kế “chung cư” cho các ông Địa, với hơn 300 tượng từ 40 năm tuổi trở lên, được phân loại theo chất liệu và hình dáng, từ gốm, đất nung, thạch cao, ô dước, gỗ…, từ những tượng ông Địa mini nhỏ nhất bằng ngón tay cái (4 cm) đến tượng cao to, thần thái (70 cm); từ những ông ngồi thong dong, tự tại dưới đất, đến những ông bệ vệ ngồi trên ghế, hoặc ông cưỡi hổ ngao du với gương mặt vui tươi, hóm hỉnh.
Nói về ý tưởng sưu tập tượng ông Địa, anh chia sẻ từ nhỏ đã thích ngắm nhìn ông Địa, tắm cho các ông, bởi trông ông vô tư, hồn nhiên, lúc nào cũng cười tươi rói. Mẹ anh kể, trước khi anh ra đời, nhà còn khó khăn, ông bà làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Thập niên 60 -70, bà vất vả đạp xe mang từng ông Địa mới ra chợ quê bán cho người ta thỉnh về thờ. Ký ức đó đã hằn sâu trong nếp nghĩ của anh, khiến anh có ý thức sưu tập những hiện vật về văn hóa dân gian, đặc biệt là hình tượng ông Địa.
Sau này, khi có điều kiện nghiên cứu về văn hóa dân tộc, anh lại càng yêu quý hình ảnh ông Địa hơn, bởi ông Địa không chỉ là vị thần gần gũi với người dân Nam bộ, mà còn là một nét đẹp văn hóa, biểu thị cho sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người ở vùng Nam bộ lúc khẩn hoang; là biểu tượng cho tinh thần hào sảng, may mắn, ước mơ của người dân trong quá trình lao động và sáng tạo. Anh càng hiểu, càng biết, càng mê, càng say đắm với hình tượng ông Địa.
Thổ địa và sơn quân
Đặc biệt, anh yêu thích hình tượng ông Địa cưỡi cọp, một biểu tượng phổ biến trong tranh thờ và tượng thờ. Hình tượng này có thể mô phỏng “kỵ thú” của Phật giáo, như La Hán phục hổ. Tuy nhiên, biểu tượng này cũng phù hợp với tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ, liên quan đến ông Cọp, người được tôn là “sơn quân chi thần”, thể hiện ước mơ muốn chế ngự cọp, hoặc sống hòa đồng với cọp. Vì vậy, ông Địa cưỡi cọp hoặc dựa vào lưng cọp có ý nghĩa là ông Địa đã thuần phục được hổ, một ước mơ ngàn đời của người dân Nam bộ. Sự kết hợp này tạo ra cặp đôi hoàn hảo giữa Thổ Địa và Sơn Quân.
Thú vị hơn, tranh tượng ông Địa cưỡi hổ thường có hổ màu vàng, biểu trưng cho hành Thổ trong ngũ hành của văn hóa phương Đông. Ông Địa và hổ vàng là sự kết hợp của hình tượng nhân hóa cho hành Thổ, quan trọng đối với nền văn minh thực vật. Theo quy luật tương sinh, “Thổ sinh kim” nghĩa là từ đất sẽ sinh ra vàng bạc, tiền tài phú quý. Vì vậy, ông Địa và Hổ Vàng thuộc Thổ được tôn kính và trân quý.
Cũng nhờ các bộ sưu tập mà Hiếu Tín có thêm tư liệu để phục vụ cho việc khảo cứu, làm chất liệu cho đề tài nghiên cứu, giảng dạy của mình. Hiếu Tín đang viết sách về hình tượng ông Địa, và bộ sưu tập của anh cung cấp tư liệu thực tế sinh động cho công việc này. Bộ sưu tập giúp anh phán đoán niên đại, lịch sử, và tư duy của nghệ nhân dân gian.
Anh dự định tạo một không gian rộng hơn để trưng bày ông Địa chỉn chu và khang trang hơn, giới thiệu với công chúng về những nét đẹp của văn hóa dân gian dân tộc. Đây cũng là cách anh “tri ân” những ông Địa đã mang lại niềm vui vô giá cho tinh thần.