Luật pháp không miễn trừ nguyên nhân vi phạm do say rượu
(DNTO) - Nhấm nháp chút rượu, bia là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực nhưng là khi nó được sử dụng có chừng mực. Buồn thay, ngày nay, nét đẹp văn hóa của rượu đã bị biến tướng. Nhiều vụ tai nạn, vụ án xảy ra mà nguyên nhân là do rượu. Thậm chí, kẻ mất mạng, người đi tù trong khi tuổi đời còn rất trẻ.
Rượu tiếp tay cho vấn đề liên quan đến tội phạm
Trong rất nhiều vụ án mạng đau lòng do người uống rượu say xỉn gây ra, một số vụ rơi vào thảm cảnh huynh đệ tương tàn. Mới đây, vào chiều 8/11, trong lúc đang ăn nhậu, giữa 2 anh em xảy ra mâu thuẫn, người em là Y Níu Kpă (19 tuổi, ngụ xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đã dùng cuốc bổ vào đầu khiến anh trai của mình là Y Nô Kpă (22 tuổi) tử vong.
Trước đó, ngày 31/8, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra xét xử vụ án "Giết người" và tuyên bị cáo L.Đ. (ngụ xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) 8 năm tù giam. Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi, trong lúc ngồi nhậu với một nhóm bạn, một người trong nhóm tên Ơ. nói đùa với Đ.: "Mỗi lần mày về, mày dẫn một đứa khác nhau. Đợt này con này già, xấu quá". Giữa hai bên lời qua tiếng lại. Đ. cầm dao lao đến chém anh Ơ. gây thương tật 44%.
Ngoài ra tai nạn giao thông, những vụ hiếp dâm, sàm sỡ;cha con, chồng vợ giết hại lẫn nhau, cửa nhà tan nát; quấy rối an ninh trật tự công cộng… có nguyên nhân từ rượu không phải là chuyện hiếm.
Uống rượu là một nét văn hóa có từ lâu đời của người Việt nhưng đã “biến tướng”
Rượu được con người làm ra từ trước Công nguyên. “Phát minh” này chủ yếu để phục vụ các nghi lễ tôn giáo và văn hóa. Dần dà rượu là một thức uống phổ biến của con người. Tại Việt Nam, uống rượu là một nét văn hóa có từ lâu đời. Tết đến, xuân về, cưới hỏi, giỗ chạp, hội hè, đình đám… nhất định không thể thiếu rượu. Rượu giữ vai trò khá quan trọng về mặt nghi lễ.
Với người nông dân, từ rất xa xưa trong quá trình chinh phục thiên nhiên, họ đã biết dùng rượu để giữ ấm, tạo sự hứng khởi, tăng hiệu quả trong lao động sản xuất; để quên đi nỗi cô đơn giữa đồng không mông quạnh, sông nước mênh mang, rừng thiêng nước độc… Dần dần trong đời sống hằng ngày, uống rượu trở thành thói quen phổ biến của người nông dân gọi là rượu cơm (uống theo bữa ăn) rượu ghiền (không bỏ được).
Với chính khách, doanh nhân, rượu được dùng trong giao tiếp, mở đầu cho một mối quan hệ, làm ăn.
Với văn nghệ sĩ, rượu là một “tác nhân” gieo cảm hứng trong sáng tác, trong các cuộc đàm đạo văn chương. Là thú chơi tao nhã của tao nhân mặc khách.
Kẻ phong trần thì lấy bầu rượu túi thơ làm tri kỷ: “Ai say, ai tỉnh, ai thua được/ Ta mặc ta, mà ai mặc ai (Cầm kỳ thi tửu - Nguyễn Công Trứ)
Trong giao tiếp hằng ngày “Vô tửu bất thành lễ”. Về “nhân sự” rượu được quy ước: "Trà tam rượu tứ". Rượu cũng dùng làm thước đo bản lĩnh đàn ông: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Thời nay, rượu không còn là đặc quyền của đàn ông, ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập hàng ngũ “đệ tử Lưu Linh”. Nhiều gia đình có thói quen ngâm sẵn các loại rượu quý để tiếp đãi bạn bè.
Tiếc thay, ngày nay văn hóa uống rượu của người Việt đã “biến tướng”. Người ta không còn coi uống rượu là một lễ nghi xã giao trang trọng, uống rượu không còn mục đích thưởng thức rượu để cảm nhận hương vị. Họ không cần thủ lễ mà ép nhau uống cho “đã nư” cho hết biết trời đất mới thôi.
Vì uống “quá liều” không làm chủ được bản thân, đánh mất lý trí, lời nói hành động trở nên thái quá tạo ra các cuộc cãi vã, ẩu đả và “sát thương” lẫn nhau.
Luật pháp không miễn trừ nguyên nhân phạm pháp do say rượu
Ẩu đả, sát hại lẫn nhau và gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc là hai hệ lụy nổi cộm do rượu gây ra.
Mấy năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là quy định thổi độ cồn khi tham gia giao thông, tai nạn giao thông do rượu đã giảm đi đáng kể. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
Tại các phiên tòa, các bị cáo thường đổ thừa do rượu nên đánh mất lý trí để xin giảm án. Trong khi đó, Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.” Trái lại, đây còn được xem là tình tiết định khung tăng nặng trong một số trường hợp.
Để phong tục chúc rượu được giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, người uống rượu cần có đủ bản lĩnh làm chủ được bản thân, đề ra cho mình giới hạn cần thiết tùy vào tửu lượng và sức khỏe tại thời điểm đó. Đặc biệt là cần mạnh mẽ bài trừ thói ép rượu, một khi đã uống rượu tuyệt đối không lái xe.