OCB lạc quan đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%
(DNTO) - Dự định tăng vốn điều lệ từ 10,959 tỷ đồng lên 14,449 tỷ đồng, đặt mục tiêu lợi nhuận lên 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay là những kế hoạch mà Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra tại đại hội cổ đông sáng nay, 28/4.
Kỳ vọng giữ vững đà tăng trưởng
Tại đại hội cổ đông sáng nay, một trong những điểm nhấn mà người đứng đầu OCB đưa ra là việc ngân hàng này đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch mục tiêu 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2020, tổng tài sản ngân hàng này đạt được là 152,5 ngàn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 4,414 tỷ đồng, tăng 37%.
"Kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2020 góp phần đánh dấu việc hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016-2020 của OCB với tổng tài sản tăng 2,4 lần, vốn điều lệ tăng 2,3 lần, vốn chủ sở hữu tăng 3,7 lần, lợi nhuận tăng 9 lần” - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, chia sẻ tại đại hội.
Năm 2021, hy vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của mình, OCB đề ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế là 5,500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; chia cổ tức 20-25% và đặc biệt tăng trưởng tín dụng 25%.
"Mọi năm đều đạt mức tăng trưởng tín dụng 20-25%, thậm chí trước đây trên 30%, do đó OCB tự tin năm nay sẽ có mức tăng trưởng đúng theo kế hoạch và cao hơn trung bình toàn ngành" - đại diện ngân hàng này lý giải về kế hoạch tăng trưởng của OCB.
Thời gian tới, OCB cho biết sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng bán lẻ và các phân khúc ưu tiên, triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II, tiếp tục đẩy mạnh tiến trình số hóa, một trọng tâm với ngân hàng.
Quí 1 năm nay, kết quả kinh doanh của OCB khá khởi sắc, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 1,276 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tăng 5% so với đầu năm.
FLC chỉ là đối tác chiến lược, không có quan hệ sở hữu vốn
Tại đại hội sáng nay, khi được các cổ đông đặt câu hỏi, liệu có lý do gì mà ngân hàng lựa chọn đối tác chiến lược là FLC.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB lý giải, ngoài FLC, ngân hàng hiện còn có 19 đối tác khác, cùng OCB tạo ra hệ sinh thái từ khách hàng mua nhà FLC và khách hàng đi Bamboo Airways. Ông đặc biệt nhấn mạnh, FLC không có quan hệ sở hữu vốn với OCB.
Về đánh giá rủi ro nợ xấu, ông Tùng cho biết, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) trong quý 1 tăng lên do nguyên nhân rơi vào dịp nghỉ lễ và tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên hiện tại, nợ nhóm 2 đã trở về bình thường, về 2,000 tỷ đồng thời điểm cuối quý 1. Và theo ông, nếu so với tổng dư nợ thì mức đó vẫn còn thấp.
Không ít cổ đông còn băn khoăn về thứ tự phát hành ESOP (cổ phiếu thưởng) và cổ phiếu riêng lẻ của ngân hàng này. Đại diện ngân hàng cho biết, OCB sẽ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu sớm nhất, ngay khi được các bên liên quan thông qua. Phát hành ESOP và riêng lẻ sẽ tiến hành đồng thời nếu phương án phát hành riêng lẻ được chốt. Và nếu không phát hành riêng lẻ thì vẫn phát hành ESOP.
Khi được hỏi về kế hoạch để tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT OCB - ông Trịnh Văn Tuấn bày tỏ: "OCB không thể tự quyết định được. Để làm tốt thì chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, còn làm như thế nào thì phải nhờ vào thị trường và quý vị cổ đông".
HĐQT cũng trình đại hội thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 10,959 tỷ đồng lên 14,449 tỷ đồng, tương đương tăng 32%, được thực hiện qua ba hình thức: phát hành gần 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%; bán ra khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Ngày 28/1 vừa qua, cổ phiếu OCB chính thức giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu 22,900 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động 20%. Giá cổ phiếu của OCB hôm nay, vào lúc 14g, ngày 28/4, đạt 23,700 đồng/cổ phiếu, tăng 3,5% so với hôm qua.