Nữ nông dân xuất thân quản trị kinh doanh rẽ ngang nông nghiệp thu lợi nhuận cao
(DNTO) - Sở hữu trên tay hai tấm bằng về Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh, nhưng chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh -chủ nhân Bà Đen Farm (Tây Ninh) lại rẽ ngang sang kinh doanh nông nghiệp khi tình cờ biết đến và hứng thú với sâm bố chính thông qua đề tài thạc sĩ của một người bạn.
Cây sâm Bố Chính được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại thành phố Tây Ninh và là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc...
Mô hình trồng thử nghiệm sâm Bố Chính được Công ty TNHH Bà Đen Farm triển khai từ năm 2015 với diện tích 1,2ha trên địa bàn phường 1, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh).
Qua nhiều năm nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm tại Tây Ninh và thu về trái ngọt, cuối 2020 chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh quyết định thành lập Công ty TNHH Bà Đen Farm với sản phẩm chủ lực từ sâm: trà túi lọc, bột sâm, sâm sấy lát...
Chị Hạnh còn thực hiện mô hình liên kết chuyển giao kỹ thuật cho nông dân các tỉnh, vừa để tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa để tăng năng suất.
Tháng 11/2020, chị đưa sâm Bố chính đến gần với người tiêu dùng hơn bằng việc mở nhà hàng Sâm Bà Đen phục vụ các món ăn được chế biến từ sâm: bánh bao nhân sâm, gỏi sâm..., đặc biệt gà hay heo tại đây “ăn sâm mà lớn”.
Tuy nhiên, khi thời gian đầu “thực hành”, chị gặp khá nhiều khó khăn, do những kiến thức chị biết đều qua sách vở và thực tế phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đất cũng như kỹ thuật của mình.
Nói về những đặc điểm vượt trội, chị Mỹ Hạnh cho biết, dược tính sâm Bố Chính được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc. Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát. Đây được xem là cây dược liệu quý, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có khả năng phòng và điều trị được rất nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, nóng số…
Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc nên đã được công ty đưa về trồng thử nghiệm với quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao và thị trường rất ưa chuộng loại sâm này.
Thành công sau đợt thu hoạch đầu tiên, bà Hạnh mạnh dạn chuyển giao kỹ thuật để nông dân địa phương nhân rộng diện tích sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đến nay, công ty đã liên kết với nông dân trồng hơn 8ha tại xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu), xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành), phường 1 (thành phố Tây Ninh), xã Mỏ Công (huyện Tân Biên).
Thời gian thu hoạch sâm từ 8 tháng - 1 năm, lúc này sâm có lượng dinh dưỡng cao nhất và trọng lượng sâm đạt yêu cầu. Sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được công ty tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết; đồng thời công ty liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chị Hạnh cũng gặp vấn đề về tài chính và là doanh nghiệp “mới chớm” nên khâu marketing, quảng cáo sản phẩm cũng là điều cần phải đầu tư hơn. Trong thời đại 4.0, chị Mỹ Hạnh cũng bắt kịp xu hướng với việc đưa thương hiệu lên sàn thương mại điện tử để kết nối với người dân khắp cả nước.
Trải qua 3 năm “đứng trụ” trên thị trường, chị Mỹ Hạnh dự định trong tương lai sẽ đưa sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước bạn hơn. Đặc biệt, chị sẽ nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm nước giải khát làm từ chính sâm bố chính.
Chương trình Khát vọng mùa vàng số 15 đã dừng chân tại vùng đất Tây Ninh, giới thiệu câu chuyện của chị nông dân Huỳnh Thị Mỹ Hạnh với khu vườn sâm bố chính đầy tâm huyết.