NSƯT Hữu Quốc: Thành công trên con đường lắm gập ghềnh
(DNTO) - Là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu hàng đầu trong thế hệ của mình, NSƯT Hữu Quốc cho biết con đường làm nghề của nam nghệ sĩ nhiều gập ghềnh, gian truân, và con đường đó đã đưa anh đi tới vinh quang của nghề diễn theo một cách không giống ai.
Là gương mặt được đánh giá tài năng của sân khấu cải lương, nhưng Hữu Quốc không chỉ ghi dấu ấn đậm nét với các vai kép lão, mà anh đa năng trên nhiều lĩnh vực, gần đây thành công trên sân khấu kịch nói với vai trò diễn viên, đạo diễn..
Nói về ngã rẽ, khi còn trẻ đã phải đảm nhận các vai già lão, NSƯT Hữu Quốc chia sẻ khi ra trường, anh không được lên sân khấu đóng những vai kép đẹp, phải vẽ rằn ri lên mặt để đóng vai kép già. “Vì không có may mắn đó nên tôi phải chọn cho mình một hướng đi khác biệt và may mắn là nó đã đúng. Tôi trở thành một anh kép có gương mặt “tạm đẹp” nhưng lại đóng những vai không được đẹp mấy”, NSƯT Hữu Quốc nói với giọng hài hước.
Đây cũng chính là con đường do chính thầy của nam nghệ sĩ – NSND Phùng Há đã vạch ra cho anh đi đến tận ngày hôm nay. NSƯT Hữu Quốc cho biết, thời điểm anh tốt nghiệp ra trường chính vào thời điểm sân khấu cải lương gặp khó khăn. Nếu đi theo hướng kép đẹp, Hữu Quốc khẳng định chắc nịch rằng sẽ “rất khủng hoảng và không có một Hữu Quốc ngồi tại đây”.
Anh lý giải rằng khi ấy đoàn cải lương rất nhiều, mà mỗi đoàn đều có từ 2 đến 3 anh kép. Đồng thời, năm nào trường đào tạo cải lương như Trần Hữu Trang cũng có cả ngàn thí sinh dự tuyển nhưng chỉ lấy 40 sinh viên học chính quy và 20 học viên học dự thính.
“Đến khi tốt nghiệp ra trường thì Đoàn xung kích nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã có tới 6 anh kép chính. Lúc đó tôi cảm thấy chạnh lòng là học bao nhiêu năm trong trường, đến khi bước ra lại không được đóng những vai kép chính, kép nhì. Nhưng tôi vẫn miệt mài qua mỗi chặng đường, trải qua năm năm thì tôi nhận được sự tín nhiệm, các đạo diễn giao cho mình những vai khó”, NSƯT Hữu Quốc trầm ngâm nói.
Nhờ sự chăm chỉ và cố gắng không ngừng ấy của NSƯT Hữu Quốc đã được đạo diễn – NSƯT Đoàn Bá là giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tin tưởng đưa sang diễn tại đoàn Trần Hữu Trang 2. Khi ấy, anh mới có 19 tuổi nhưng đã phải thay vai kép lão cho NSƯT Phương Quang.
“Khi đứng chung với những nghệ sĩ đã có tên tuổi mới cảm nhận được mình còn non lắm nên tôi học dần những kinh nghiệm từ họ. Có cơ hội tiếp xúc thường xuyên thì đó là may mắn và thuận lợi dành riêng cho bản thân mình”, NSƯT Hữu Quốc gật gù nghĩ lại.
NSƯT Hữu Quốc khẳng định anh là người luôn có niềm tin tưởng rất lớn vào cải lương cũng như sự vực dậy của bộ môn nghệ thuật này ở thời buổi ngày nay. Tuy nhiên có một thực tế rằng, cả NSƯT Hữu Quốc và Bình Tinh lại đang thành công khi lấn sân ở lĩnh vực kịch nói và còn giành cả huy chương toàn quốc.
Nam nghệ sĩ trần tình anh là người khát khao và mong mỏi được làm cải lương nhưng có những đơn vị cải lương không “mở cửa” cho anh bước vào. “Khi em gái Bình Tinh mời tôi về đoàn Huỳnh Long, đó không phải là Bình Tinh hay các bạn trong đoàn Huỳnh Long được mà chính xác hơn là bản thân tôi được. Tôi được làm nghề, được thể hiện những gì mà trong suốt những năm qua tôi đã ấp ủ nhưng chưa làm được”, NSƯT Hữu Quốc nghẹn ngào chia sẻ.
Anh bày tỏ trong những năm tháng trăn trở với cải lương thì anh đành chấp nhận bỏ chất xám cho một loại hình mà anh không được học chính quy nhưng “phải làm”, đó là kịch nói.
NSƯT Hữu Quốc cũng dành lời cảm ơn cho sân khấu kịch nói đã giúp anh giữ được niềm đam mê làm nghề. “Nghệ sĩ cải lương có thể hát, múa, diễn xã hội, diễn tuồng cổ, tự hóa trang làm tóc, ngay cả đánh võ hay nhào lộn, thậm chí hát nhạc hip hop được luôn. Bởi vậy khi diễn kịch chỉ cần nghệ sĩ cải lương tiết chế lại, diễn đời hơn thì vẫn có thể thành công được”, NSƯT Hữu Quốc nhận định.
NSƯT Hữu Quốc cũng tự cảm nhận được rằng trong mỗi bước chân trên sân khấu kịch nói của mình luôn có sự may mắn để gặp gỡ được những nhân vật thuộc về mình và chỉ có anh mới thể hiện được nhân vật ấy.
Đồng thời, nam nghệ sĩ cũng nhận xét sự lấn sân của mình không hề quá đáng mà anh coi đây là nơi để học hỏi và trau dồi để đem về những cái hay cho sân khấu cải lương.