Nỗi lo của chuyển đổi số
(DNTO) - Không phải công nghệ, yếu tố con người mới đóng vai trò quan trọng nhất giúp chuyển đổi số tại các doanh nghiệp thành công.
Tránh tình trạng đầu tư công nghệ mà không dùng được
Chuyển đổi số hiện đang trở thành một phần chiến lược quan trọng cho các doanh nghiệp trong mục tiêu duy trì vị thế và tính cạnh tranh trên thị trường. Khảo sát từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2023, nhận thức về chuyển đổi số của hầu hết các doanh nghiệp đều nâng cao hơn so với năm 2022 ở tất cả các khía cạnh. Trong đó riêng khía cạnh Định hướng chiến lược có chỉ số đánh giá cao nhất và liên tục dẫn đầu trong cả hai năm.
Doanh nghiệp có định hướng, mục tiêu, phía Chính phủ có nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công trong chuyển đổi số.
"Ba trụ cột quan trọng nhất trong bất kỳ dự án chuyển đổi số nào, xếp theo mức độ quan trọng, đứng đầu là con người, tiếp đó là quy trình và cuối cùng mới là công nghệ. Dù vậy hiện nay, đa phần mọi người lại đang hiểu lầm khi cho rằng công nghệ là quan trọng nhất", ông Trương Anh Quân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đưa ý kiến.
"Tôi thường gặp trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ giao cho một cán bộ công nghệ thông tin trong công ty làm chuyển đổi số. Người đó sẽ đi tìm bên ngoài xem có sản phẩm, giải pháp nào phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đáng tiếc là khi đưa vào hoạt động, nhiều sản phẩm công nghệ lại gặp sự chống đối từ chính nhân sự doanh nghiệp. Đó là thất bại", ông Quân cho biết.
Theo chia sẻ của ông, hai năm qua, trào lưu chuyển đổi số đã khiến nhiều doanh nghiệp ồ ạt đổ tiền đầu tư công nghệ theo "phong trào". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi nhân lực chưa đủ độ chín, doanh nghiệp chưa trưởng thành thì chuyển đổi số là không dễ.
Câu chuyện thực tế từ ông Quân, trước đây, ông có làm công tác chuyển đổi số cho công ty cũ của mình. Nhận thấy quy trình công nghệ tốt nên ông giới thiệu áp dụng trong công ty mình nhưng ông gặp phải rào cản lớn khi nhiều nhân viên không muốn thay đổi. Họ ngại chấp nhận cái mới, ngại thay đổi, ngại học hỏi dù biết quy trình công nghệ hiện đại.
"Khi đưa công nghệ vào mà con người chưa kịp thay đổi, công nghệ cũng chưa chuẩn thì khả năng vận hành không thành công rất lớn. Theo đó, mỗi doanh nghiệp phải thay đổi trụ cột con người trước. Khi con người thay đổi được tư duy, họ sẽ tự định nghĩa, tìm ra quy trình nào tốt nhất cho tổ chức của mình. Và khi đã có quy trình chuẩn, doanh nghiệp mới đưa công nghệ vào để tự động hoá và tăng hiệu quả", ông Quân chia sẻ.
Làm tốt điều này sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng đang xảy ra tại nhiều doanh nghiệp là công nghệ đầu tư không thể dùng được, hoặc sử dụng nhưng gặp nhiều khó khăn, thậm chí không dám đầu tư cho công nghệ nữa.
Lời giải cho bài toán chuyển đổi số
Thống kê của Bộ Kế họach và Đầu tư cho thấy, gần 50% doanh nghiệp khảo sát cho biết từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do chưa phù hợp hay không còn nhu cầu. Chỉ một tỉ lệ nhỏ 2,2% đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng.
Câu chuyện chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách hơn khi xu hướng chuyển đổi kép ngày càng mạnh mẽ, chuyển đổi số phải kết hợp với chuyển đổi xanh, mới tạo được thế mạnh cho doanh nghiệp. Và phải làm sao để nguồn nhân lực thích nghi nhanh với sự thay đổi công nghệ và đáp ứng được yêu cầu của công nghệ giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Theo ông Quân, sự thay đổi tư duy là điều quan trọng và trước tiên phải là ở các cán bộ chủ chốt, phụ trách các dự án chuyển đổi số tại doanh nghiệp, tiếp đó sẽ nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Khi họ hiểu đúng, họ sẽ chuyển tải đúng với doanh nghiệp của mình, công nghệ được lựa chọn đi theo cũng sẽ phù hợp theo.
Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu trên, nhiều chương trình đào tạo chuyên gia về chuyển đổi số ra đời, có thể kể đến chương trình “Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số cấp cao” do Viện Chiến lược chuyển đổi số thực hiện, đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số - Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tổ chức.
"Không đào tạo ăn xổi, mà quay về vấn đề cốt lõi là gì. Khi mà đã có 'gốc' thì dù xu hướng công nghệ thay đổi thế nào họ cũng đáp ứng. Họ được học phương pháp tư duy để nhận thức vấn đề nên khi có công nghệ mới cũng sẽ xem xét thấu đáo và hiểu rõ", ông Quân chia sẻ về chương trình.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội bộ chuyên trách để triển khai chuyển đổi số là vấn đề quan trọng trong chuyển đối số tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để có thể chuyển đổi số thành công.