Nợ thuế hay 'chiếm dụng' vốn?
(DNTO) - Trong nhiều trường hợp nợ thuế, có những doanh nghiệp khó khăn, nhưng cũng có đơn vị chọn "chây ì" để chiếm dụng vốn...
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, 4 tháng đầu năm 2021, tổng nợ thuế trên toàn địa bàn TP.HCM đã tăng thêm 60,58%, tương ứng tăng 14.654 tỉ đồng, lên 38.843 tỉ đồng. Trong đó, nợ khó thu 11.746 tỉ đồng, chiếm 30,3%; nợ đang xử lý 1.205 tỉ đồng, chiếm 3,1%; nợ đang khiếu nại 872 tỉ đồng, chiếm 2,2%; còn lại là 25.020 tỉ đồng nợ có khả năng thu, chiếm 64,4%.
Rất nhiều công ty bất động sản đã hiện diện trong danh sách 103 người nợ thuế mà Cục Thuế TP Hồ Chí Minh công bố. Doanh nghiệp dẫn đầu về danh sách nợ thuế đợt này là CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn với số nợ lên tới 532 tỷ đồng. Nhà Thủ Đức đứng thứ 2 với số nợ 465 tỷ đồng; tuy nhiên với trường hợp của công ty này, việc bị ghi nợ thuế có liên quan đến việc bị truy thu thuế mà Thu Duc House đã khởi kiện và đang trong quá trình giải quyết vụ việc.
Một số tên tuổi khác, quen thuộc trong lĩnh vực địa ốc và được nhà đầu tư quan tâm, cũng có số nợ lớn như CTCP Đức Khải nợ 462 tỷ đồng, CTCP Cảng Phú Định nợ 249 tỷ đồng... Trong đó, CTCP Đức Khải được biết đến là một chủ đầu tư địa ốc có tiếng ở phía Nam. Song Đức Khải được nhớ lâu vì tên tuổi gắn với dự án The Era Town tại quận 7 đã bị ngân hàng BIDV phát mãi, rao bán nhiều lần nhưng chưa bán được. Đây là dự án mà Đức Khải đã thế chấp một loạt các quyền đòi nợ, quyền phải thu, lợi tức phát sinh từ việc bán sản phẩm tại các Block A2, A3, A4, A5, B1, B2 và B3 của dự án Khu tái định cư Phú Mỹ - Era Town do công ty làm chủ đầu tư tại BIDV Gia Định. Cùng với đó, Đức Khải cũng bị BIDV thông báo phát mại tài sản khác như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất... Điều này cho cho thấy Đức Khải thực sự đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không có nguồn trả nợ ngân hàng. Nợ thuế vì vậy cũng là dễ hiểu.
Cảng Phú Định, được biết đã bị Thanh tra TP HCM lập đoàn thanh tra công tác cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa và việc thực hiện dự án cảng Phú Định tại Công ty TNHH MTV cảng sông TP. Theo báo cáo của UBND TP HCM lên Thủ tướng đầu năm 2021, đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Các số liệu tài chính và hoạt động của Cảng Phú Định gần như "kín tiếng", không cập nhật công khai sau vụ IPO bán cổ phần cho 3 tổ chức và 14 cá nhân từ năm 2014.
Danh sách Cục Thuế còn gọi tên một loạt doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến bất động sản như Công ty TNHH dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mê kông nợ 70 tỉ đồng; Công ty CP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng nợ 70,6 tỉ đồng; Công ty TNHH đầu tư Metro Star nợ 50,3 tỉ đồng - đây là chủ đầu tư có dự án Metro Star ăn theo tuyến Metro khu Đông Sài Gòn đang nóng sốt; Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ nợ 44,6 tỉ đồng; BĐS Star Beach nợ 44,2 tỉ đồng; BĐS Đông Dương nợ 23,1 tỉ đồng…
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác và mức nợ thuế khác, cũng có những cái tên đáng nhớ như CTCP Thương mại - Tư vấn - Đầu tư Bách Khoa Việt (công ty này là một trong những đơn vị trường kỳ nợ thuế, có tên trong danh sách nợ thuế 2019); Công ty TNHH Thương mại Lô Hội... với số nợ thuế từ trên 100 tỷ đồng.
Theo Cục Thuế Tp HCM, 4 doanh nghiệp nợ trên 200 tỉ đồng, nợ từ 100 tỉ đồng đến 200 tỉ đồng có 3 doanh nghiệp, từ 50 tỉ đồng đến 70 tỉ đồng có 7 doanh nghiệp, từ 10 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng có 52 doanh nghiệp và số còn lại nợ từ 1 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng…
Các doanh nghiệp bất động sản thường xuyên chiếm tỷ lệ đa số trong danh sách nợ thuế các đợt bị bêu tên, theo một chuyên gia, phản ánh tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp bất động sản, bao gồm cả hoạt động kinh doanh khó khăn trên thị trường địa ốc trong đại dịch. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải huy động vốn bằng mọi cách trong đó có việc đẩy mạnh gọi vốn trái phiếu lãi suất cao từ trên 11%, chấp nhận chi phí tài chính nặng, trong khi đó, lãi suất mà ngân hàng cho vay các doanh nghiệp khác trên thị trường lại về mức thấp hơn dao động từ 5-9%.
"Việc nợ thuế đồng nghĩa doanh nghiệp có thể "chiếm dụng" tạm thời khoản tiền này, thuộc về ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là tạm "chiếm dụng vốn Nhà nước" làm vốn, mà không phải trả lãi vay, không phải thế chấp, nhằm mục đích tăng thêm dòng tiền bổ sung vốn kinh doanh. Trừ những trường hợp khó khăn không có nguồn trả nợ thuế phải "xoay tứ bề", với nhiều doanh nghiệp, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay vẫn còn khá thấp so với mức lãi vay đầu tư họ phải trả nên không đủ sức răn đe, các doanh nghiệp theo đó sẽ trì hoãn việc chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Đáng tiếc không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được đây là nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, với xã hội. Và hơn thế, nó còn gắn với giá trị niềm tin, thương hiệu của doanh nghiệp", chuyên gia nói.
Dù vậy, cũng lưu ý rằng trong quá khứ, đã có trường hợp Cục Thuế xác nhận sai số liệu nợ thuế của doanh nghiệp, hoặc có những doanh nghiệp đã hoàn tất nghĩa vụ ngân sách Nhà nước nhưng vẫn...té ngửa khi thấy mình có tên trong danh sách. Và vì điều này liên quan đến giá trị niềm tin, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, do đó không ít doanh nghiệp dù chưa bị nêu tên, cũng bày tỏ hy vọng sẽ có sự chính xác 100% trong danh sách công khai; bởi đây cũng được xem là một trong những "kênh" thông tin để họ tiếp nhận và đánh giá về bạn hàng, đối tác...