Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở TP.HCM chủ động kiến nghị hạ giá cước
(DNTO) - Trước dư luận về giá cước vận tải hành khách chưa giảm dù giá xăng đã hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp chủ động hạ giá cước khi giá nhiên liệu đã giảm sâu. Bên cạnh đó, nhiều nhà xe vẫn giữ giá, chịu lỗ ngay khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng và giá xăng cao đỉnh điểm.
Theo ghi nhận của phóng viên Doanh Nhân Trẻ, tại các bến xe như Bến xe miền Tây, Bến xe miền Đông... đã có một số đơn vị vận tải chủ động giảm giá cước khi xăng dầu hạ nhiệt. Ngoài ra, nhiều nhà xe đã chủ trương giữ nguyên giá vé từ thời điểm trước và sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đặc biệt khi giá xăng tăng giá cũng không thay đổi dù họ phải bù lỗ, bán xe, tài sản để cầm cự.
Theo một số nhà xe, giá xăng dầu giảm liên tục nhưng mới diễn ra gần đây khiến việc giảm giá cước một phần vẫn chưa thể bù lỗ cho trước đó. Họ chủ động giảm giá cước để bảo đảm số lượng hành khách và chờ mức giá xăng dầu hợp lý, ổn định.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - chủ nhà xe Ba Châu (Bến xe Miền Tây) cho biết: “Giá vé 150.000 tuyến TP.HCM - Cần Thơ đã niêm yết từ trước dịch, cho đến hiện tại, dù trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch và giá nhiên liệu tăng nhưng giá thành vẫn giữ nguyên. Tôi đã phải bán đất để bù lỗ suốt khoảng thời gian qua, do chủ yếu để phục vụ giá tốt cho người dân, họ cũng bị ảnh hưởng nhiều”.
Với nhà xe Hoa Mai, thời điểm xăng tăng giá, họ cũng lên giá cước nhưng ở mức hợp lý cho hành khách, vì thế khi xăng giảm nhà xe cũng đang kiến nghị để giảm cước phí trở lại bình thường. “Hiện tại, xăng giảm phía nhà xe cũng chủ động xin Sở Giao thông vận tải giảm giá để người dân nhẹ chi phí đi lại”, đại diện nhà xe này cho biết.
Tương tự nhà xe Ba Châu, anh Vũ - chủ nhà xe Tư Bầu (Bến xe miền Đông) cho biết giá cước vẫn giữ như trước đây, việc xăng dầu giảm thì chỉ ở hạn mức giảm chi phí nhiên liệu cho nhà xe một phần. So với thời điểm xăng cao đỉnh điểm, tuyến xe từ TP.HCM – Kon Tum có mức chi phí gần 11 triệu đồng, đến hiện tại giá chỉ còn khoảng 8 triệu đồng.
“Giá 400.000 đồng/vé vẫn giữ nguyên, thời điểm xăng dầu lên, mình gánh chi phí, giờ giá xăng dầu giảm lại kêu giảm phí vận tải cũng rất khó, bởi đơn giản là trước đó mình không tăng, còn lỗ thì giảm sao được”, anh Vũ nói thêm.
Thực tế, đã có một số đơn vị vận tải giữ giá được niêm yết từ nhiều năm trước đây, thậm chí có nhiều nhà xe chỉ thay đổi giá khoảng 2 – 3 lần từ khi bắt đầu kinh doanh và thay đổi trước dịch để chi trả mức tăng của giá cả hiện hành thời điểm đó.
Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp cũng kiến nghị cần điều chỉnh giá xăng dầu ở mức hợp lý nhất và ổn định lâu dài để chủ xe vừa có lãi, vừa không mất khách. Hiện tại, dù giá xăng dầu đã giảm, đơn vị vận tải đã bắt đầu hồi phục và có lãi, nhưng ở mức lãi thấp so với trước đây, sau khi khấu trừ các chi phí.
Theo đó, nhiều nhà xe cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước và sau dịch, bến xe đã giảm phí bến bãi 20% và thời hạn đến tháng 9. Cũng theo Ban quản lý Bến xe miền Tây, hiện có 4/125 đơn vị vận tải đã gửi kê khai giảm và mức giảm từ 6 đến 12%.
Trước đó, tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, bộ đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát để kê khai giảm giá, tuy nhiên vẫn có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm.
Theo lý giải của vị Thứ trưởng, khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian qua, giá xăng dầu giảm nhưng giá dịch vụ vận tải vẫn tăng cao, bởi một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.