Nhật Bản yêu cầu hải sản nhập khẩu phải có chứng nhận thuỷ sản khai thác
(DNTO) - Từ ngày 1/12/2022, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Nhật Bản (MAFF) sẽ yêu cầu giấy chứng nhận thuỷ sản khai thác (Catch certificates) đối với các sản phẩm nhập khẩu có thành phần nguyên liệu chính từ các loài cá thu, cá thu đao, cá trích và mực ống và mực nang, bao gồm cả thuỷ sản chế biến.
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu rõ, ngày 4/12/2020, Nhật Bản ban hành Đạo luật điều chỉnh đối với phân phối các sản phẩm động vật và thực vật biển cụ thể nhằm chống lại việc đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) (JA2021-0006). Đạo luật này đã phân loại các nguồn lợi thuỷ sản có nguy cơ bị đánh bắt IUU cao thành loại I (trong nước) và loại II (nhập khẩu). Đối với các loài thuỷ sản thuộc loại II (được xác định thông qua một quy trình riêng), Đạo luật đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Nhật Bản (MAFF) thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản toàn cầu.
Vào ngày 26/4/2022, MAFF công bố Sắc lệnh MAFF số 39. Sắc lệnh này bao gồm các đợt chỉ định các loài hải sản thuộc loại II, và đợt đầu tiên gồm các loài: cá Thu (Mackerel, Scomber spp.), cá Thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá Trích (Sardine, Sardinops spp) và Mực ống và mực nang (Squid and Cuttle fish). Từ ngày 1/12/2022, MAFF sẽ yêu cầu giấy chứng nhận thuỷ sản khai thác (Catch certificates) đối với các sản phẩm nhập khẩu có thành phần nguyên liệu chính là từ các loài kể trên, bao gồm cả thuỷ sản chế biến.
MAFF cũng chỉ định cá chình con, bào ngư và hải sâm là các loài thủy sản thuộc loại I. Đạo luật yêu cầu ngành thủy sản trong nước áp dụng Chương trình tài liệu đánh bắt đối với động vật loại I và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Cơ quan Thủy sản Nhật Bản sẽ xem xét danh sách các loài thủy sản dễ bị đánh bắt IUU (thuộc loại I và loại II) hai năm một lần.