Nguyễn Nhật Ánh giải mã sức hút bộ sách 'Kính vạn hoa' ở tuổi 25
(DNTO) - Nhân kỷ niệm 25 năm bộ truyện dài "Kính vạn hoa", Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt độc giả bộ ấn phẩm "Kính vạn hoa" 45 tập theo bản in lần đầu tiên. Dịp này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ về sức hút của đứa con tinh thần đặc biệt này.
Kính vạn hoa là bộ truyện gắn liền với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ sách là sự hợp tác dài hơi, bền bỉ, với nhiều tâm huyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn thiếu nhi đương đại hàng đầu Việt Nam với NXB Kim Đồng. Bộ sách ra mắt tập đầu tiên năm 1995, ra đều đặn trong suốt 7 năm cho tới khi tạm kết thúc ở tập thứ 45 vào năm 2002.
Khi bộ sách dừng lại ở tập 45, độc giả bày tỏ sự tiếc nuối và hụt hẫng đến mức, NXB Kim Đồng phải in thêm tập Còn chút gì để nhớ, tập hợp ý kiến, nhận xét, thơ, tranh vẽ của độc giả để “xoa dịu” cơn khát Kính vạn hoa. Dự định kết thúc ở tập 45 sau nhiều trăn trở, nhưng 5 năm sau, trước sự nồng nhiệt của bạn đọc đối với bộ sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục viết tiếp 9 tập nữa, trong suốt 3 năm. Tới năm 2009, bộ sách Kính vạn hoa kết thúc ở con số 54 tập.
Trong dịp kỷ niệm tuổi 25 của bộ sách này, NXB Kim Đồng công bố bản in mới của tác phẩm, đặc biệt là tập 1 Nhà ảo thuật có chữ ký trực tiếp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dành tặng độc giả hâm mộ. Sách bìa cứng được đựng trong hộp trang trọng.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường – người vẽ minh họa Kính vạn hoa sẽ giao lưu và ký tặng độc giả Hà Nội vào sáng 5/12 tại trụ sở NXB Kim Đồng (55 Quang Trung, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Nhiều câu chuyện thú vị về sự ra đời của tác phẩm và hành trình 25 năm chinh phục bạn đọc, được chính tác giả, họa sĩ và nhà văn Lê Phương Liên - biên tập viên của bộ sách tiết lộ. Chương trình do Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh dẫn dắt.
Kính vạn hoa khi ra đời có ý nghĩa đặc biệt, khơi luồng gió mới cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ đổi mới, mang đến món ăn tinh thần lý thú, bổ ích, giúp em các thêm yêu các tác phẩm văn học trong nước.
Trong 25 năm qua, không kể số lần tái bản, chỉ tính riêng số lần “biến hóa” trong hình thức mới với minh họa mới, Kính vạn hoa đã có tới 7 phiên bản khác nhau: bộ 45 tập (từ 1995 – 2001), bộ 3 tập (2003), bộ 5 tập (2006), bộ 6 tập (2010), bộ 9 tập (2010), bộ 54 tập (2012), bộ 18 tập (2016).
Ở thời điểm ra mắt, Kính vạn hoa đã tạo nên hiện tượng có một không hai trong làng xuất bản, xô đổ nhiều kỷ lục, làm kinh ngạc nhiều người: bộ truyện của tác giả Việt Nam nhiều tập nhất, tái bản nhanh nhất, có số lượng phát hành lớn nhất, có nhiều nhân vật nhất (khoảng 200 nhân vật), thư bạn đọc gửi cho tác giả nhiều nhất (trên 10.000 bức thư)…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ trong tập 45 khi dự định kết thúc bộ truyện: “Nhiều em nhỏ đã hỏi tôi “Tại sao chú lại đặt tên là Kính vạn hoa?”. Câu trả lời rất đơn giản: vì kính vạn hoa là một đồ chơi của trẻ em. Thuở bé, tôi mê cái kính vạn hoa, và bây giờ, đã lớn, tôi vẫn mê thứ đồ chơi này. Nếu được bỏ phiếu, tôi sẽ không ngần ngại bình chọn ống kính vạn hoa là đồ chơi kỳ thú nhất của tuổi thơ, là quà tặng tuyệt diệu nhất mà người lớn đã nghĩ ra cho trẻ em. Hằng hà bông hoa lần lượt xuất hiện dưới tay mình, chỉ sau mỗi cái lắc nhẹ. Những cánh hoa không ngừng thay dáng, những sắc hoa không ngừng đổi màu, có tới hàng vạn, hàng triệu những bông hoa như thế, và tuyệt vời thay, không bông hoa nào giống bông hoa nào trong hàng vạn hàng triệu cái kia. Tôi ao ước những tập Kính vạn hoa của mình cũng sẽ đem lại cho các độc giả nhỏ tuổi điều gì na ná như thế: Cứ lắc một cái, một câu chuyện mới lại hiện ra”.
Đã có rất nhiều lý giải khác nhau về sức hút của Kính vạn hoa. Chẳng hạn, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: “Đọc Nguyễn Nhật Ánh, người ta ngỡ ngàng nhận ra rằng hóa ra các em không chỉ thích truyện phiêu lưu trinh thám, không chỉ thích đấm đá và các trò ma quái, các em còn thích được tâm sự, được giãi bày và cao hơn, khẩn thiết hơn hết là các em thích có bạn, càng nhiều bạn càng tốt để tâm sự, để cho và nhận tình cảm của nhau".
Chuyên gia nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh cho rằng: “Mỗi truyện trong bộ Kính vạn hoa đều hướng tới việc mở rộng sự hiểu biết của các em đối với thế giới chung quanh, giúp các em khám phá được vẻ đẹp của một cuộc sống giản dị, ấm áp tình người”.
Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn đánh giá: “Ngôn ngữ văn học của Nguyễn Nhật Ánh rất sáng sủa, việc sử dụng tiếng địa phương, tiếng lóng rất có liều lượng, góp phần làm nên tính phổ cập của tác phẩm”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập bày tỏ: “Với một giọng kể chân chất hồn hậu, khi dí dỏm khi ngọt ngào, cả tếu táo và nghịch ngợm nữa, mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giống như một ống kính vạn hoa. Với các em, chỉ cần xoay khẽ một chút các em sẽ thấy biết bao quen thân và lạ lẫm để rồi ngồi cười khúc khích với nhau, hoặc lặng đi, nhìn nhau rưng rưng tiếc thương một cái gì đã mất. Còn với tôi, mỗi lần xoay khẽ kính vạn hoa kia, cả tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên bỗng rực lên trước mắt tôi, làm cho tôi lắm khi khó cầm được nước mắt".
"Ðược tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ", Nguyễn Nhật Ánh đã nói vậy và anh đã đúng.
Chính độc giả đã nhận thấy: “Đọc Kính vạn hoa, tôi cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh đã dày công phản ánh những sinh hoạt muôn mặt của lứa tuổi học trò. Từ cách học với các thủ thuật “phổ thơ” để ghi nhớ thuộc lòng các công thức toán, lý, hóa, Anh văn... đến lối làm thơ, kể vè, dựng hoạt cảnh để học tập các môn văn, sử. Từ trò chơi bóng đá, thi giải câu đố... ở sân trường đến những chuyến đi nghỉ hè khám phá các vùng xa”.
Lý do nào cũng đúng, nhưng vẫn chưa đủ để giải mã sức hút của Kính vạn hoa, của “phù thủy” ngôn từ Nguyễn Nhật Ánh. Bộ sách đã chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc, và vẫn tiếp tục khẳng định sức sống qua năm tháng, với niềm yêu mến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của đội ngũ đông đảo bạn đọc nhiều lứa tuổi.