Người Sài thành du xuân tri thức, đón lộc đầu năm
(DNTO) - Mừng Tết Tân Sửu, dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhưng người Sài Gòn vẫn dành thời gian tìm lại giá trị văn hóa qua Hội sách Tết, diễn ra tại Đường sách TP.HCM.
Qua một năm nhiều bất ổn, trăn trở, người ta lại càng trân quý giờ phút sum vầy bên gia đình, trải nghiệm những niềm vui giản dị, tao nhã như dạo đường hoa – tham quan hội sách.
Từ những ngày cuối tháng Chạp, khách gần xa Sài Gòn đã đến thăm Hội sách Tết chủ đề “Du xuân tri thức, đón lộc đầu năm” tại Đường sách TP.HCM. Những người Sài Gòn yêu chữ, yêu văn thơ, hầu hết từng ghé thăm đường sách; giới văn nghệ sĩ lại càng là khách quen.
Do vậy, chất hội hè của đường sách lại càng có phong vị của giới trí thức xưa, của tinh thần sách Tết, của giá trị văn hóa cổ truyền.
Trong không khí xuân sang, đơn vị tổ chức Hội sách Tết, Nhà sách Phương Nam luôn tuân thủ những quy định của các cơ quan ban ngành để đảm bảo an toàn cho quan khách gần xa và nhân viên tại đây.
Cũng vì thế, Hội sách Tết Tân Sửu không tổ chức các hoạt động – sự kiện có đông đảo người tham dự như mọi năm; thay vào đó Phương Nam gói gọn các hoạt động du xuân qua các workshop tìm lại phong tục truyền thống để chủ động đảm bảo khoảng cách cần thiết cho người tham gia.
Ban tổ chức cũng lưu ý khách nhớ những quy tắc an toàn để tự bảo vệ mình và bảo vệ gia đình, sử dụng khẩu trang và rửa tay khử khuẩn thường xuyên tại các địa điểm đã được Ban quản lý đường sách chuẩn bị trước. Vì xuân chỉ tròn đầy khi xuân an lành.
Mỗi mùa Tết đến xuân về là một khởi đầu mới. Vạn nhà tân niên, vứt bỏ những muộn phiền và vướng bận trong năm cũ để hướng về xuân mới. Người Việt – đặc biệt là những cư dân thị thành – luôn muốn tìm về những giá trị truyền thống cũ, như thể làm sống dậy những cái Tết xưa.
Nếu cách đây hai mươi năm, vào ngày đầu năm mới, giới văn nghệ sĩ có thói quen thi vị là dậy thật sớm, đủng đỉnh bước ra sạp báo, mua tờ báo tân niên in trong đêm để thư thái đọc báo thưởng xuân; thì ngày nay, phong tục này được con em tiếp nối bằng thú chơi sách xuân. Điểm đến là những Hội sách Tết, nơi quầy kệ trưng bày tuyển tập sách xuân vừa ra mắt độc giả. Năm nay, làng sách Tết vẫn xuất hiện những cái tên tương đối quen thuộc.
Nhà báo Phạm Công Luận – cây bút Tết quen thuộc với người Sài Gòn – ra mắt phần 2 của tuyển tập Tùy bút – hồi ký – giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, là kho tàng chuyện xuân từ những ngày đất nước chưa giải phóng, của những mùa xuân nghèo vật chất nhưng giàu yêu thương.
Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh giới thiệu Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội, là công trình tâm huyết của người nặng lòng với ẩm thực cung đình Huế, tuyển lựa những công thức nấu nướng truyền thống nhất của dân tộc. Mỗi cuốn sách trưng bày trên bàn trà ngày Tết, là một kho tàng chuyện hay để người nhà kể cho nhau nghe dịp xuân về.
Hội sách kéo dài từ 25 tháng chạp đến hết mùng 5 Tết.
Sách Tết không chỉ dành cho bản thân, mà còn là món quà xuân đáng quý dành tặng cho người thân trong gia đình, đối tác và bạn bè. Đối với người Việt – đặc biệt là người Việt trẻ vốn có tinh thần hiếu học và yêu chuộng tri thức, việc tặng sách bên cạnh bao lì xì và thiệp chúc đầu xuân là món quà vừa thực tế vừa giàu ý nghĩa, như là trao tay những con chữ, vần thơ, lan tỏa những thông điệp tích cực trong ngày Tết.
Đến với hội sách, người ta không chỉ chơi sách mà còn hòa mình vào cái thú sáng tạo, thủ công mỹ nghệ của dân tộc. Tết sẽ không còn dư vị nếu thiếu dòng khai bút xuân thư pháp, bao lì xì lấy lộc đầu năm, hoặc thử tài nữ công gia chánh khéo léo khi làm mứt dừa, mứt gừng, mứt gấc. Hội sách năm nay phục vụ những cái thú vui nho nhỏ như thế, hướng dẫn bạn dì làm mứt, anh chị em hái lộc chơi xuân, khắc gỗ mười hai con giáp.