Mỹ đánh giá lại chuỗi cung ứng ngành công nghiệp
(DNTO) - Lo ngại của Mỹ về sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất công nghệ ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc đã khiến các cơ quan của Mỹ đánh giá lại về chuỗi cung ứng của mình.
Tờ Global Times (Trung Quốc) nhận định rằng dù Mỹ mong muốn tăng cường chuỗi cung ứng và đây là lý do có vẻ hợp lý, nhưng mọi việc dường như đã đi quá xa bởi tâm lý cảnh giác với các nhà sản xuất Trung Quốc nay đã lan sang các nhà cung cấp ở Đông Á.
Chính quyền Tổng thống Mỹ gần đây đã công bố một báo cáo dài 250 trang liên quan đến đánh giá các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Mỹ trong bốn lĩnh vực đặc biệt: chất bán dẫn, công nghệ pin, dược phẩm và khoáng sản.
Phần lớn báo cáo nhắm vào Trung Quốc. Báo cáo cũng cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của Mỹ về sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ ở Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Báo cáo cho biết: “Các nước Đông Á là nơi tập trung đáng kể các nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất quan trọng. Do vậy, Mỹ cần sản xuất chất bán dẫn tập trung ở Texas, Arizona và Oregon để đối trọng lại và tạo ra tác động lớn hơn”, báo cáo cho biết.
Theo Nikkei Asia, báo cáo này được các công ty trong ngành bán dẫn xem xét như một lời cảnh báo ở mức rủi ro an ninh quốc gia.
Với sự thiếu hụt chip toàn cầu ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như ô tô, Mỹ đã kêu gọi gia tăng việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng bằng cách sản xuất các nguyên liệu quan trọng tại Mỹ.
Nhiều người cho rằng nhiều ngành công nghiệp Mỹ bị rủi ro địa chính trị khi toàn cầu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Đông Á. Ví dụ, Nhật Bản kiểm soát phần lớn thị trường thế giới đối với các vật liệu sản xuất chip quan trọng như chất cản quang và tấm silicon dùng sản xuất chip bán dẫn, còn Hàn Quốc thì cung cấp phần lớn chip nhớ trên thế giới.
Do đó, bất kỳ tai nạn nào cũng có thể gây ra việc đình chỉ sản xuất các nguyên liệu quan trọng, tạo ra tác động gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên thực tế, khi chính phủ Mỹ cam kết đưa chuỗi cung ứng chất bán dẫn trở lại Mỹ, vì lo ngại vào an ninh của chuỗi cung ứng Đông Á, Global Times nhận định: "Về bản chất, báo cáo của Mỹ gọi đây là mối đe dọa chuỗi cung ứng nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, Mỹ đang ở vị trí cao nhất của chuỗi cung ứng công nghệ then chốt và chưa bao giờ bị bất kỳ bên nào cắt nguồn cung cấp nguyên vật liệu".
Nhìn từ một góc độ khác, Global Times cho rằng sự háo hức của Mỹ trong việc thiết lập chuỗi sản xuất của riêng mình thực sự là phản ánh sự lo lắng của Mỹ về việc bị đào thải các ngành công nghiệp của mình.
Mặc dù không rõ Mỹ sẽ xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt như thế nào, nhưng nhiệm vụ này sẽ không hề dễ dàng. Mỹ không còn sở hữu các nền tảng cơ bản cần thiết cho sản xuất hàng loạt nữa, tờ báo nhận xét.
Hơn nữa, Global Times cho rằng việc hình thành chuỗi công nghiệp Đông Á là sự lựa chọn của thị trường dựa trên nguyên tắc kinh tế.
“Bất kỳ nỗ lực nào dựa vào các biện pháp hành chính để cưỡng bức kết quả thị trường đều đi ngược lại nguyên tắc thị trường, không thể dẫn đến tác động bền vững đến chuỗi cung ứng toàn cầu”, Global Times nêu quan điểm.