Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình sẽ tăng
(DNTO) - Bảng tin ngày 13/5, trên các phương tiện truyền thông cho hay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan về dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi. Theo đó, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ tăng.
Hiện nay, BHYT không còn xa lạ với người dân nhưng những thông tin về chính sách và các quyền lợi được hưởng khi tham gia đóng bảo hiểm, không phải ai cũng hiểu một cách cặn kẽ, nhất là bà con lao động làm nghề tự do đóng BHYT theo hộ gia đình.
BHYT là loại bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng do cơ quan nhà nước ban hành nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, không vì mục đích lợi nhuận. Đây là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo và là một trong những chính sách trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của nước ta.
Người dân khi tham gia BHYT sẽ được chi trả hộ một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, giảm thiểu các chi phí dịch vụ liên quan.
Hiện nay, BHYT bao gồm hai hình thức: bắt buộc và tự nguyện. Các nhóm đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Đối tượng tham gia BHYT; Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Những đối tượng không thuộc một trong những trường hợp trên thì việc tham gia BHYT dựa trên sự tự nguyện.
Cho dù là bắt buộc hay tự nguyện thì khi tham gia BHYT, người tham gia cũng có những quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế:
Được cấp thẻ BHYT; Được lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu; được đổi nơi đăng ký ban đầu vào mỗi quý; Được thanh toán một phần hoặc toàn phần chi phí khám chữa bệnh. (Ngoài các đối tượng đặc biệt, thông thường, người tham gia BHYT sẽ được chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh).
Có rất nhiều cách mua và địa điểm mua BHYT. Cụ thể như sau: Đối với học sinh sinh viên: sẽ được trường học đăng ký tham gia BHYT và mua ngay tại trường. Đối với hộ gia đình: đăng ký tham gia BHYT tại Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Theo thống kê, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT đã chi trả hàng trăm nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, có trường hợp người bệnh được chi trả lên tới hàng tỷ đồng/năm, kể cả người mắc bệnh nan y, mạn tính như bệnh rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận... Theo đó, BHYT mấy năm gần đây được xem như “phao cứu sinh” của rất nhiều trường hợp.
Trong thực tế thời gian qua, nhờ tham gia BHYT, không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” cho việc khám chữa bệnh mà nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát cảnh nợ nần, nghèo túng. Cũng đã có nhiều người mang các căn bệnh quái ác, thời gian chống chọi bệnh tật kéo dài dai dẵng hàng chục năm; nhiều người suốt đời phải gắn với bệnh viện cùng chi phí điều trị vô cùng đắt đỏ; nhiều người giữa lằn ranh sinh tử, đã “chiến thắng tử thần”, từng bước vượt qua bạo bệnh… tất cả là nhờ số tiền hỗ trợ từ quỹ BHYT...
Thẻ BHYT trong các trường hợp này đã trở thành người bạn đồng hành, là “ân nhân” đáng tin cậy mà nếu không có, chắc chắn người nghèo sẽ sớm bỏ cuộc.
Cuộc sống vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bệnh tật mà không ai có thể lường trước. Chủ động tham gia BHYT, không những tốt cho bản thân người tham gia mà còn giảm gánh nặng cho người thân nếu chẳng may mình bị ốm đau, bệnh tật. Còn nếu trong quá trình tham gia BHYT mà may mắn chúng ta vẫn yên lành, khỏe mạnh thì xem như số tiền mua bảo hiểm là tiền chúng ta làm từ thiện, giúp ích cho đời.
Đặc biệt, từ ngày 01/6/2021, thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” thay thế thẻ BHYT giấy đưa vào sử dụng khi đi khám chữa bệnh trên toàn quốc tạo nên bước đi đột phá, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT.
Để tra cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan đến BHYT, người tham gia có thể truy cập vào website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhấp vào mục Tra cứu trực tuyến để tìm hiểu các thông tin cần thiết.
Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi mới đây đã đề cập mức đóng BHYT hộ gia đình, theo đó: Mức đóng BHYT hằng tháng của người thứ nhất trong hộ gia đình tăng từ 4,5% lương cơ sở (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng) lên 6%, quy ra là 89.400 đồng/tháng (khoảng 1.073.000 đồng/năm). Từ người thứ hai trở đi, mức đóng sẽ thống nhất bằng 80% của người thứ nhất, tương đương hơn 71.000 đồng/tháng (khoảng 858.000 đồng/năm).