Mở cửa du lịch 15/3: Doanh nghiệp vẫn 'ngóng' hướng dẫn chính thức
(DNTO) - Hôm nay, 15/3, ngày du lịch Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, người làm du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành vẫn chung trạng thái chờ, vẫn ngóng thông tin cụ thể về việc cấp visa và thời hạn cách ly Covid-19 cho khách quốc tế tới Việt Nam.
Để chuẩn bị cho ngày Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3, trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án mở cửa và đồng ý giao Bộ VHTT&DL công bố mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Theo đó, Bộ VHTT&DL đề xuất đón khách du lịch quốc tế đến, đưa khách đi du lịch nước ngoài qua các cửa khẩu quốc tế đường không, đường bộ, đường sắt, đường biển theo các chính sách về thị thực nhập cảnh như trước đại dịch.
Ngoài ra, đối với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh, hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp trong thời gian không quá 6 tháng.
Đối với khách nhập cảnh hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi). Còn đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Đối với các nước, vùng lãnh thổ có yêu cầu cao hơn thì áp dụng theo quy định của nơi xuất cảnh.
Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD. Cài đặt ứng dụng PC-COVID theo quy định của cơ quan chuyên môn và duy trì kết nối trong thời gian tại Việt Nam.
Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không, khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh), nếu âm tính thì được tham gia du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định...
Về đề xuất này của Bộ VHTT&DL, đại diện phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy, nêu ý kiến: Để mở cửa đón khách quốc tế, vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu của những người làm du lịch. Nhưng phương án của Bộ VHTT&DL mới dừng lại ở mức đề xuất, chưa có hướng dẫn chính thức, nên doanh nghiệp chưa thể thỏa thuận các điều khoản cụ thể với đối tác đưa khách quốc tế đến Việt Nam.
Đồng quan điểm, đại diện một công ty du lịch cho biết, hiện các công ty lữ hành chỉ tạm thời nghe ngóng chứ chưa nhiệt tình mời khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam vội. Bởi khách quốc tế họ cần thông tin rõ ràng, tuy nhiên, dù chúng ta nói mở cửa du lịch, nhưng mở như thế nào, điều kiện cách ly y tế hay xét nghiệm ra sao ... vẫn chưa chốt cụ thể sẽ rất khó cho doanh nghiệp triển khai.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Mở cửa du lịch, trở lực lớn nhất hiện nay là quy định của Bộ Y tế về yêu cầu du khách ở lại cơ sở lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc.
Theo ông Long, việc mở cửa du lịch đối với thị trường khách quốc tế phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, nhưng không được phân biệt đối xử với khách quốc tế. Như vậy, khi xác định mở cửa đón khách du lịch quốc tế chúng ta cũng cần phải xác định địa vị pháp lý của khách du lịch quốc tế bình đẳng như khách du lịch Việt Nam.
"Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 4, khoản 5 của Luật Du lịch Việt Nam năm 2017, có ghi rất rõ 'Phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế; tôn trọng và đối xử bình đẳng với khách du lịch'. Nếu chúng ta bắt họ cách ly như quy định theo đề xuất của Bộ Y tế sẽ là “trở lực” và rào cản rất lớn để ngành du lịch hiện thực hóa việc đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay", ông Long phân tích.
Điều kiện để khách du lịch được đến Việt Nam của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra (có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi "xuất cảnh" và có chứng nhận tiêm vaccine đủ mũi hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh, trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm nCoV) đã được tham khảo dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
"Hiện nay, dịch Covid-19 đang có tốc độ lây lan mạnh ở Việt Nam hơn nhiều nước có thị trường khách chúng ta hướng tới. Khách quốc tế từ những thị trường này (đã được tiêm, xét nghiệm đầy đủ) vẫn sẽ đến du lịch Việt Nam mà không e ngại đại dịch, thì chúng ta cũng phải xác định họ không phải là “nguồn lây nguy hiểm”. Nếu có đã được khoanh vùng và dập dịch sớm. Bản thân virus nCoV cũng không có thị thực (visa) và hộ chiếu (passport), nên khách du lịch quốc tế cần được chào đón với những thủ tục hành chính đơn giản, tiện lợi nhất như đối với khách du lịch nội địa", ông Long nói.
Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước
Trưa nay 15/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32, miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus.
Theo đó, công dân 13 nước này được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 và thay thế các Nghị quyết số 21/NQ-CP; số 23/NQ-CP và số 33/NQ-CP của Chính phủ về tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương với các nước.
Bộ Ngoại giao chủ trì tổng kết, đánh giá và kiến nghị với Chính phủ việc gia hạn, tạm dừng hoặc chấm dứt chính sách miễn thị thực đơn phương quy định tại Nghị quyết này.