Lâm Đồng: Thu hút khách bằng sản phẩm du lịch 'tầm cỡ'
(DNTO) - Cùng với chủ trương về phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu và đặc biệt có sự đồng hành quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch “tầm cỡ” của nhiều doanh nghiệp.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng, quý 1 năm 2023, tỉnh này đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có trên 110 ngàn lượt khách quốc tế.
Cùng với chủ trương của tỉnh Lâm Đồng về phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu và đặc biệt có sự đồng hành quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch “tầm cỡ” của nhiều doanh nghiệp.
Nhiều sự kiện kích cầu du lịch
Có ý kiến cho rằng, thành phố Đà Lạt không cần làm gì vẫn thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Điều này phần nào thể hiện Đà Lạt có được “vốn trời ban” rất đáng quý. Tuy nhiên, để du khách đến với Đà Lạt cũng như các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều cơ quan ban ngành địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch đã cùng phối hợp tổ chức nhiều sự kiện kích cầu.
Đáng chú ý nhất là sự kiện Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng được tổ chức thường niên, với hàng loạt chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật trải dài 12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Riêng tại tuần lễ vàng năm 2023, Lâm Đồng đã đón khoảng 350 ngàn du khách.
Ngoài ra, có thể kể đến Festival Hoa Đà Lạt - thương hiệu độc quyền của thành phố mộng mơ được tổ chức hàng năm, quy tụ sự tham gia đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Festival Hoa thay cho lời giải thích với du khách về danh xưng “thành phố ngàn hoa” của Đà Lạt.
Tuy nhiên, để Đà Lạt không chỉ là thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa hay một M’lates (rừng thưa) mà có thể sánh vai cùng các địa điểm du lịch nổi tiếng khác trên thế giới thì rất cần những sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng nhưng vẫn có thể hòa quyện cùng vẻ đẹp vốn có nơi đây.
Thu hút khách bằng sản phẩm du lịch “tầm cỡ”
Cuối năm 2022, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, trực thuộc Tập đoàn TTC, đơn vị sở hữu những điểm đến tại Đà Lạt như Thung lũng Tình yêu, khách sạn TTC Ngọc Lan và TTC Đà Lạt) đã ký kết biên bản ghi nhớ cùng Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng trong khuôn khổ chương trình Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2021.
Theo đó, TTC Hospitality đã cam kết xây dựng và phát triển những sản phẩm kinh doanh mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tạo điểm nhấn thế mạnh riêng mang tính chuyên nghiệp, nâng cao lợi thế và năng lực cạnh tranh cho tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, đơn vị này cũng cam kết hoàn thành tiến độ các dự án sớm nhất nhằm góp phần cùng tỉnh Lâm Đồng giới thiệu những sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, bền vững và giàu bản sắc văn hóa dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế.
Tháng 4 năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất chủ trương hoàn thiện xây dựng Cầu đáy kính tại Thung lũng Tình yêu, công trình mới hứa hẹn sẽ đem đến diện mạo mới cho Đà Lạt cũng như làm giàu thêm không gian thưởng ngoạn thiên nhiên và giải trí của du khách.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công - Lâm Đồng (TTC Lâm Đồng), chủ đầu tư cầu đáy kính 7D tại Thung lũng Tình yêu, Cầu đáy kính sẽ góp phần tăng thêm sự lãng mạn cho khu du lịch vốn được mệnh danh là “trái tim của Đà Lạt”. Đại diện này lý giải, Thung lũng Tình yêu vốn sở hữu cảnh sắc thiên nhiên trời phú gồm rừng thông, hồ nước, những con đường uốn lượn, những vườn hoa khoe sắc và không khí mát mẻ quanh năm. Khi Cầu đáy kính nối “hai bờ đôi lứa” - một bên là Đồi Mộng Mơ với nét mơ mộng của đôi lứa thuở mới yêu, một bên là mê cung Tình yêu, chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm cực kỳ thú vị cho du khách. Sau khi công trình đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của thành phố Đà Lạt, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được biết, Cầu đáy kính là cầu treo dây võng có chiều dài toàn cầu là 325m, khổ cầu rộng 3m, mặt cầu là kính cường lực tạo hiệu ứng đặc biệt, đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế, an toàn tải trọng, động đất cùng các tiêu chuẩn thẩm mỹ khác…
Cầu đáy kính hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến khai trương vào tháng 7 năm 2023, sẽ là Cầu đáy kính đầu tiên tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Cũng theo đại diện TTC Lâm Đồng, trong quá trình xây dựng hoàn thiện Cầu đáy kính, TTC Lâm Đồng cùng với đơn vị xây dựng cam kết bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách và bảo vệ môi trường cảnh quan, sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh Thung lũng Tình yêu nói riêng cũng như thành phố Đà Lạt nói chung.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhiều chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý là chỉ tiêu xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và ý nghĩa quốc tế.
Với công trình Cầu đáy kính 7D tại Thung lũng Tình yêu, TTC Hospitality hứa hẹn sẽ cùng thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng thu hút “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” bằng chính sản phẩm du lịch “tầm cỡ” này.