Hội thảo chuyên gia cấp cao về đào tạo Công nghệ vi mạch và bán dẫn
(DNTO) - GS-TS Đặng Lương Mô đánh giá cao hội thảo khoa học của HSIA và DHA Invest, nhằm đánh giá thực trạng, chia sẻ, tìm kiếm tiếng nói chung trong kế hoạch xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.
Sáng 22/3, tại văn phòng Tập đoàn TTC (TTC Tower), Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) cùng với DHA INVESTMENTS GROUP (DHA Invest) tổ chức Hội thảo về Đề án tổ chức đào tạo công nghệ vi mạch bán dẫn, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) và ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch DHA INVESTMENTS GROUP.
Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Đặng Lương Mô – nhà khoa học tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam với hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận tại Nhật Bản và các nước có nền khoa học công nghệ phát triển.
Điểm cầu tại Mỹ có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thị Bích Yến – Chuyên gia cao cấp Tập đoàn Soitec. Tại điểm cầu Nhật Bản có sự tham dự của GS Nguyễn Ngọc Mai Khanh – Giảng viên Trường Đại học Tokyo.
Cùng với các chuyên gia hàng đầu, đến dự hội thảo có các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, vi mạch bán dẫn đến từ các trường đại học của TP.HCM, Đại học Yersin Đà Lạt cùng đại diện Công ty Synopsys Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất vị trí, vai trò quan trọng của mảnh ghép nhân lực chất lượng cao, những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang phải đối mặt đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng. Trình độ lao động khi được tuyển dụng chưa thể tiếp nhận công việc được ngay, mà các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại từ 6 đến 12 tháng.
Hiện trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lấp đầy các vị trí quản lý chủ chốt, mà còn gây ra rủi ro lớn cho việc bổ sung lực lượng lao động thay thế và nhân lực có khả năng phát triển các sản phẩm công nghệ mới. Về lâu dài, là trở lực cho việc cải thiện tốc độ phát triển của toàn ngành bán dẫn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cơ hội nâng cao thu nhập quốc dân.
GS-TS Đặng Lương Mô đánh giá cao hội thảo khoa học này của HSIA và DHA Invest, nhằm đánh giá thực trạng, chia sẻ, tìm kiếm tiếng nói chung trong kế hoạch xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.
Với tất cả cống hiến và tâm huyết sau khi trở lại quê hương, nhằm xây dựng nền công nghệ vi mạch Việt Nam phát triển, giáo sư khẳng định và tin tưởng hội thảo và đề án lần này, với sự thống nhất, quyết tâm và khẳng định mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, hội đồng chuyên môn và các cơ sở đào tạo sẽ là tạo đà khởi động thành công mô hình đào tạo hiệu quả, bền vững, đóng góp sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong tương lai.
GS-TS Đặng Lương Mô cũng cam kết bằng tất cả sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm sẵn sàng tham gia điều phối và cố vấn cho dự án.
GS.TS Nguyễn Thị Bích Yến – Chuyên gia cao cấp Tập đoàn Soitec cũng đã góp ý sâu sát vào dự thảo đề án, chia sẻ chân dung, đối tượng học viên, nhu cầu tuyền dụng của các tập đoàn công nghệ, cơ hội việc làm cho học viên sau đào tạo.
Với kinh nghiệm thực tiễn học tập, giảng dạy tại Đại học Tokyo, GS Nguyễn Ngọc Mai Khanh cũng tham luận và nhấn mạnh về nội dung đào tạo, đầu ra nghề nghiệp cho học viên, đào tạo song song nghiệp vụ và ngoại ngữ để tăng cơ hội cho học viên.
Các chuyên gia đã ghi nhận những phát kiến nền tảng quan trọng của DHAInvest, TTC và HSIA trong việc đề xuất nền tảng của chương trình hành động dài hạn, đưa ra giải pháp đối với hệ thống giáo trình, chuyên gia trong và ngoài nước, phương thức lan tỏa rộng rãi, sự công nhận của xã hội, cách thức liên kết chuỗi giá trị đào tạo.
Các chuyên gia cùng thống nhất thành lập hội đồng chuyên môn cấp cao để dẫn dắt toàn bộ chương trình một cách hiệu quả, bền vững nhằm phát triển nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.