Khi nghĩ về Sài Gòn ta thường nghĩ về những hàng cây

(DNTO) - Trong muôn vàn nỗi nhớ về Sài Gòn, chắc hẳn những ai từng là “người Sài Gòn” sẽ luôn dành cho những hàng cây xanh rợp bóng trên các cung đường Sài Gòn một nỗi nhớ cùng tình yêu bất tận.
Đó là những hàng cây làm nên Sài Gòn, mà vì yêu có người nói quá lên một chút, nếu không có nó, Sài Gòn sẽ không còn là Sài Gòn nữa.
Ngoài con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) “cây dài, bóng mát” đã được “thần thánh hóa” bởi ông nhạc sĩ Phạm Duy, thì con đường Cộng Hòa quanh năm phủ bóng những hàng me tây gốc to, tán rộng chạy dọc phía trước cổng trường Trương Vĩnh Ký đỏ rực màu phượng vĩ mỗi bận hè sang…, cũng từng làm ngơ ngẩn biết bao nhiêu thế hệ học trò.

Sài Gòn trong ký ức của nhiều người còn có rất nhiều con đường đầy bóng cây ghi dấu nhiều kỷ niệm. Ảnh: TL
Cũng từng được đi vào thơ ca là con đường Bà Huyện Thanh Quan với những gốc me to sù sì, tán cây xòe rộng chụm vào nhau xõa bóng che kín mặt đường. Đây được xem là khung trời đầy thơ mộng, có sức quyến rũ cực kỳ với người Sài Gòn bởi cái vắng vẻ yên tĩnh và lúc nào cũng rợp mát bóng cây kể cả giữa trời trưa đứng bóng. Người ta đến đây đôi khi đơn giản chỉ để ngồi nhìn lá me bay trong một buổi chiều đầy gió.
Sài Gòn trong ký ức của nhiều người còn có rất nhiều con đường đầy bóng cây ghi dấu nhiều kỷ niệm như Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), Sương Nguyệt Anh, Trần Quý Cáp ( Võ Văn Tần ), Hồng thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai), Nguyễn Du…
Nhưng con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thật sự là một con đường đã từng làm ngẩn ngơ không biết bao thế hệ người Sài Gòn. Không chỉ vì nó là “con đường huyết mạch” bên cạnh Trường nữ trung học Trưng Vương và Trường nam trung học Võ Trường Toản,
mà còn bởi vì ở đó có những giấc mơ xanh ngời bóng lá, có ký ức êm đềm của biết bao nhiêu anh chàng từng “lấp ló” bên khung trời Trưng Vương “nắng vẫn vương nhẹ gót chân” mà “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”.
Nói dông dài như thế để hiểu vì sao cứ mỗi lần, mỗi hàng cây cổ thụ trên các cung đường Sài Gòn bị đốn hạ, người Sài Gòn lại như bị dao cứa vào tim, ngẩn ngơ, đau xót.
Không phải lần đầu tiên người Sài Gòn chứng kiến cảnh này nhưng việc ba cây dầu tán rộng phủ đầy bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bất ngờ bị đốn hạ cách đây mấy ngày vẫn làm cho người ta xốn xang.
Còn nhớ vào đầu năm 2018, khi nghe tin những hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng sẽ bị đốn hạ và di dời để phục vụ cho công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, không ít người Sài Gòn đã tỏ ý băn khoăn. Nhiều ý kiến được nêu ra, lập luận, phân tích theo: khoa học có, văn học có, môi trường học, tâm lý học… đủ kiểu. Cuối cùng, cái ngày đó cũng đến, cái ngày con đường Tôn Đức Thắng ngổn ngang như một đại công trường chang chang nắng. Những hàng cây xà cừ cổ thụ tạo nên những mảng xanh rì đỡ nắng cho con dốc dài quen thuộc ấy, lần lượt ra đi, để lại một góc Sài Gòn trơ trụi.
Hồi ấy, có người buồn bã, tiếc nuối, tưởng niệm cây bằng cách đặt lên mỗi gốc cây vừa bị cắt, mặt còn thơm mùi nhựa, một đóa hoa hồng màu đỏ.

Việc xử lý nóng vội sự cố bằng cách đua nhau đốn bỏ cây phượng sân trường vấp phải nhiều phản ứng gay gắt. Ảnh: TL
Giờ đây, những hàng cây cổ thụ xà cừ hàng trăm năm tuổi, được coi là “nhân chứng của lịch sử” trên đường Tôn Đức Thắng chỉ còn là ký ức, trong sự hoài niệm xa xăm của người Sài Gòn. Người ta xem đó là quy luật tất yếu của sự vận động, là sự đánh đổi, “mở đường” cho phát triển, phồn vinh của thành phố
Nó khác với việc, sau sự cố cây phượng bật gốc đè chết một học sinh và làm nhiều học sinh khác bị thương xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP.HCM) vào sáng ngày 26/5/2020, nhiều đơn vị đã đốn bỏ cây phượng và một số cây xanh khác mà chưa qua các bước kiểm tra, đánh giá thực trạng của cây.
Một phần lo cho sự an toàn của học sinh, một phần sợ trách nhiệm, nhiều trường học đã xử lý rủi ro theo hướng cực đoan. Họ bức tử cây xanh trong sân trường theo phương châm “thà chặt nhầm hơn bỏ sót”. Không chỉ che bóng mát, tạo không gian xanh cho sân trường, Phượng còn gắn liền với nhiều kỷ niệm, là “ký ức học trò” của biết bao người. Vì thế việc xử lý nóng vội sự số bằng cách đua nhau đốn bỏ cây phượng sân trường vấp phải nhiều phản ứng gay gắt.
Lần này không liên quan đến “quy luật tất yếu của sự phát triển”, cũng không vì phương châm “chặt nhầm hơn bỏ sót” mà ba cây dầu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải đốn hạ vì theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, việc đốn hạ cây ở trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm không phục vụ dự án nào mà là do cây suy yếu, bị lệch tán, xuống lá, thân cong, nghiêng… có nguy cơ đổ, mất an toàn. Ông Điệp khẳng định, gỗ cây sẽ được lưu kho, bảo quản, sau đó tổ chức đấu giá công khai nộp tiền về ngân sách.
Đại diện Công ty Cây xanh cũng cho biết, sau khi đốn hạ 3 cây dầu trên, công ty sẽ trồng lại các cây me chua tại vị trí cũ.

Ba cây dầu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải đốn hạ là do cây suy yếu, xuống lá, có nguy cơ đổ, mất an toàn. Ảnh: TL
Mỗi hàng cây gắn bó với thành phố này đều có sứ mệnh của nó là hơi thở, là bóng mát, là cảnh quan, là kỷ niệm… Nó đi vào thơ ca nhạc họa, nó làm nên cái hồn cốt của một thành phố, một xứ sở.
Vì thế vì bất kỳ một lý do gì khi cây mất đi cũng làm cho chúng ta tiếc nhớ, ngậm ngùi. Nó nhắc nhở chúng ta bài học về sự chuẩn hóa các quy trình gieo trồng, nuôi dưỡng và bảo tồn cây xanh dựa trên các cơ sở khoa học chính thống, các thiết bị chuyên dùng, trên nền tảng kiến thức về văn hóa lịch sử đúng đắn chứ không thể hời hợt, lơ mơ…