Khi nào TP.HCM nên áp dụng giải pháp điều trị F0 tại nhà?
(DNTO) - Trước số lượng ca mắc Covid-19 liên tục tăng, với lo ngại về quá tải hệ thống y tế, việc phân loại và điều trị các F0 tại nhà có thể là giải pháp TP.HCM nên cân nhắc.
Trải qua hơn 2 tháng, từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc Covid-19 mới. Bộ Y tế đánh giá làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 có tính chất rất phức tạp và khó kiểm soát.
Sau Bắc Giang và Bắc Ninh, TP.HCM là địa phương tiếp theo có những diễn biến dịch đặc biệt phức tạp. Tình thế này yêu cầu hệ thống y tế phải gấp rút nâng cao khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, từng công bố khoảng 65-70% bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam ở tình trạng nhẹ, không triệu chứng.
Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc liệu Việt Nam, nhất là TP.HCM, thời gian tới có nên xem xét giải pháp phân loại các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nhẹ, không cần đến viện điều trị.
Những yếu tố cần cân nhắc
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho rằng với số lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nhưng đa phần diễn biến nhẹ và không có triệu chứng, chúng ta có thể tận dụng các khu resort, khách sạn để điều trị.
"Việc làm này là một xu thế trong điều kiện bắt buộc. Thay vì đưa tất cả bệnh nhân đến cơ sở y tế như hiện nay, việc chúng ta khai thác thêm các khu nhà ở du lịch bỏ trống để phục vụ công tác điều trị sẽ là một giải pháp đáng cân nhắc", ông Nhung nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng giải pháp trên vẫn tồn tại nguy cơ lây nhiễm virus nhất định, tương tự việc cách ly F1 tại nhà, thậm chí lớn hơn.
Do đó, để đưa giải pháp này vào thực tiễn, Việt Nam cần đảm bảo 4 điều kiện bao gồm: Kiến thức, thái độ, thực hành phòng tránh lây nhiễm cho F0; khu vực cách ly và điều trị phải đủ điều kiện về cơ sở vật chất; kiến thức, thái độ của người phục vụ; có phương tiện kiểm tra, giám sát.
"Ngoài ra, để thực hiện tốt, ở những khu vực cách ly và điều trị, chúng ta cần đào tạo một đội ngũ theo dõi, đồng thời liên kết với hệ thống y tế. Qua đó, Việt Nam nên xây dựng hướng dẫn theo dõi tình trạng sức khỏe các bệnh nhân cùng kịch bản cụ thể về việc chuyển những người có diễn biến nặng tới bệnh viện", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), việc làm này sẽ mang đến nguy cơ rất lớn. Bác sĩ này cho biết việc đưa các bệnh nhân Covid-19 vào cơ sở y tế để điều trị có 2 mục đích chính:
Thứ nhất, các F0 sau khi đưa vào cơ sở y tế sẽ được đảm bảo giám sát, theo dõi nhằm tránh làm lây lan virus ra cộng đồng.
Thứ hai, với việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện, các bác sĩ có thể sàng lọc, phát hiện sớm các dấu hiệu diễn biến nặng, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời.
"Do đó, bên cạnh điều trị, việc đưa bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện để ngăn chặn sự lây lan virus ra cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Khi để các F0 điều trị tại nhà, với ý thức người dân chưa được đảm bảo, chúng ta khó có thể kiểm soát tốt dịch bệnh", bác sĩ Khiêm nhận định.
Theo Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, hiện tại, số ca mắc tại TP.HCM dù tăng nhanh nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Do đó, chúng ta cố gắng đặt mục tiêu là đưa tất cả bệnh nhân tới cơ sở y tế để cách ly và điều trị.
"Khi dịch bùng phát rộng, số ca mắc tăng quá cao, cơ quan chức năng có thể sẽ phải nghĩ đến giải pháp cho bệnh nhân có diễn biến nhẹ theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu kịch bản đó xảy ra, nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng, số bệnh nhân có diễn biến nặng dẫn đến tử vong có thể sẽ rất cao", bác sĩ Đồng Phú Khiêm nói.
Giải pháp cuối cùng
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, TP.HCM có thể cho những bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng điều trị tại nhà. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên áp dụng trong trường hợp số ca mắc quá lớn, hệ thống y tế không thể đảm nhận được.
"Đến nay, Việt Nam vẫn lựa chọn giải pháp đưa bệnh nhân Covid-19 tới điều trị tại bệnh viện vì các cơ sở y tế chưa đến ngưỡng quá tải. Việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện vẫn tốt hơn vì các yếu tố liên quan chẩn đoán, điều kiện xét nghiệm...", ông Nga giải thích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng trong trường hợp số lượng bệnh nhân quá lớn, dịch kéo dài, các cơ sở y tế không còn đủ điều kiện đáp ứng, chúng ta cũng nên cân nhắc đến phương pháp đưa những F0 chỉ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus mà không có triệu chứng điều trị tại nhà.
Ông cho biết thêm: "Ở một số quốc gia trên thế giới, các bệnh viện cũng chỉ tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng. Nguyên nhân là số lượng ca nhiễm của họ rất lớn".
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Huy Nga đồng ý rằng cách làm của Việt Nam hiện nay vẫn mang lại hiệu quả trong kiểm soát dịch khi khả năng lây lan virus của các F0 sau khi nhập viện là rất thấp.
Việc để các bệnh nhân Covid-19 theo dõi và điều trị tại nhà chỉ là phương án cuối cùng. Đồng thời, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ các yếu tố cũng như đảm bảo điều kiện về quản lý.
Tính đến 6h ngày 1/7, Việt Nam có tổng cộng 15.254 ca ghi nhận trong nước và 1.798 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 13.684 ca, trong đó có 4.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tại TP.HCM, tổng số bệnh nhân được phát hiện trong làn sóng dịch lần thứ 4 là 3.998 người. 55/130 bệnh viện ghi nhận F0 đến khám, chữa bệnh. Nhiều cơ sở y tế lớn đã bị phong tỏa như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch...