Khai trương đầu năm một phong tục ngày Tết
(DNTO) - Trong các hoạt động đầu năm mới của người Việt, có một nghi thức dành riêng cho giới kinh doanh, dịch vụ, sau này còn lan tới các ngành nghề khác, đó là lễ khai trương đầu năm.
Cùng với sự nhận thức thông thoáng và hiểu rõ trên cơ sở khoa học hơn, ngày nay Lễ khai trương đầu năm được xem như một trong nhiều tập tục, nghi thức trong chuỗi sự kiện ăn Tết của người Việt, đặc biệt dành cho giới kinh doanh, dịch vụ…
Theo quan niệm văn hóa phương Đông: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, mỗi một nơi tọa lạc của bất kỳ địa chỉ nào cũng đều có thổ thần tại chỗ cai quản. Cúng khai trương đầu năm là nghi thức trình báo và xin lộc thổ thần phù hộ cho việc kinh doanh được hanh thông trong suốt một năm mới. Nhiều người tin rằng, thổ công là vị thần linh che chở, phù hộ cho công việc làm ăn của gia chủ gặp nhiều thuận lợi may mắn.
Yếu tố may mắn trong kinh doanh cũng được các doanh nhân xem trọng. Sự may mắn, suôn sẻ, thuận lợi trong ngày đầu năm sẽ mở đầu cho một năm tốt đẹp thành công. Việc chuẩn bị đầy đủ như chọn ngày đẹp, giờ đẹp, hợp với mệnh và tuổi của người đứng đầu doanh nghiệp; Chuẩn bị mâm cúng khai trương với đầy đủ các lễ vật; Huy động đầy đủ sự có mặt của những nhân vật có tầm ảnh hưởng đến doanh nghiệp… trong ngày khai trương năm mới còn mang đến sự an tâm, niềm tin tưởng, lạc quan cho mọi người theo quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, ngày khai trương cũng mang một ý nghĩa thực tế phục vụ cho công việc kinh doanh. Cho dù là một doanh nghiệp có tầm cỡ hay chỉ là một cửa hàng buôn bán nhỏ thì đầu năm cũng là thời điểm của nhiều dự định, nhiều mục tiêu, kế hoạch được đề ra. Việc tổ chức khai trương đầu năm sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được sự chú ý của đối tác, khách hàng. Đây còn là một dịp tốt để quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội phát triển dựa vào những mục tiêu đề ra cho năm mới . Đồng thời bày tỏ sự tri ân đến những người đã giúp đỡ cũng như quan tâm đến vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy mô của một buổi lễ khai trương tùy vào điều kiện kinh tế của chủ nhà. Có khi chỉ đơn giản hương hoa, xôi chè. Cũng có khi linh đình với những đám rước múa lân, mâm cỗ hoành tráng với heo quay, gà luộc. Nhưng thái độ tinh thần thì nhất định phải nghiêm trang, thành kính, không được xuề xòa, qua loa.
Sau khi kết thúc các nghi lễ, cũng giống như gia đình, doanh nghiệp sẽ chọn những người có tuổi, mệnh phù hợp để “xông đất” hoặc “mở hàng”đầu năm cho mình. Đây là một phong tục có từ lâu đời của dân ta, tượng trưng cho mong muốn được thừa hưởng cái phúc lộc, an khang, may mắn mà người khách đầu tiên mang đến cho doanh nghiệp. Người ta tin rằng người xông đất đầu năm sẽ dẫn dắt cho những khách hàng, đối tác tiếp theo mang đến may mắn, thành công cho doanh nghiệp.
Cúng khai trương đầu năm như đã nói ở trên là một trong những nghi thức trong chuỗi sự kiện ăn Tết của người Việt. Nó mang đến cho gia chủ sự an tâm. Nó thể hiện quan niệm “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Và quan trọng hơn hết là nói lên mong ước có một năm làm ăn thuận lợi, may mắn, phát tài.
Tất nhiên, bên cạnh việc thực hiện nghi thức cúng khai trương chu đáo, sự thành công của doanh nghiệp tùy thuộc rất lớn vào con người, vào các chiến lược kinh doanh. Bởi vì ông bà ta có câu “Tận nhân lực, tri thiên mệnh” nghĩa là hãy cố gắng làm hết sức mình rồi thành bại thế nào mới biết được mệnh trời. Bên cạnh sự phò hộ của các thế lực siêu nhiên, con người còn phục thuộc rất nhiều vào các yếu tố môi trường sinh hoạt, vị trí địa lý và nhất là nỗ lực của mỗi cá nhân.