'Hợp đồng' tiền hôn nhân: Tại sao không?
(DNTO) - Khi yêu nhau và quyết định kết hôn, người ta luôn nghĩ rằng tình yêu mới là quan trọng, mình sẽ không giành giật tài sản với vợ/chồng làm gì. Nhưng rồi, hầu hết chúng ta sẽ làm như vậy khi ra tòa ly hôn. Để cho đỡ rắc rối, lập một hợp đồng tiền hôn nhân: Tại sao không?
Hợp đồng tiền hôn nhân với nhiều người nghe ra còn rất mới mẻ và xa lạ. Sẽ không ít người phản đối, thậm chí đùng đùng tự ái, tức giận cho rằng, nếu không tin tưởng nhau, nghi ngờ, tính toán kỹ như thế thì cưới nhau làm gì, tình yêu đâu phải mua bán mà hợp đồng hợp điếc. Nhiều người nghiêng về tâm linh còn cho đó là điềm gở, chưa chi đã nói đến chuyện chia tay…
Thật ra, không quá nghiêm trọng và phức tạp như thế. Hợp đồng tiền hôn nhân không liên quan gì đến việc tin tưởng hay không tin tưởng nhau. Cũng không “ăn nhập” gì tới chuyện ly hôn. Nó giống như việc chúng ta mua bảo hiểm cho chiếc xe, căn nhà hay bảo hiểm nhân thọ. Mua bảo hiểm không có nghĩa là xe sẽ mất, nhà sẽ cháy, người sẽ chết… Hợp đồng tiền hôn nhân cũng thế, nó là một lối thoát hiểm, để phòng khi có sự cố còn có lối mà thoát. Lối thoát hiểm hoàn toàn không có can dự gì tới việc làm ra sự cố cả.
Chiếu theo tình hình ly hôn ở nước ta hiện nay, càng có cơ sở cho người ta nghĩ đến một hợp đồng tiền hôn nhân. Cứ 3 cặp kết hôn là có một cặp ly hôn. Đó là kết quả nghiên cứu xã hội học của TS. Nguyễn Minh Hòa (Đại học KHXH & NV TP. HCM). Một tỷ lệ thật đáng lo ngại và không có gì hứa hẹn nó sẽ dừng lại.
Trong thực tế, cũng đã xảy ra rất nhiều vụ ly hôn đình đám, quyết liệt, sôi nổi và kéo dài triền miên là do không có hợp đồng hôn nhân: Vụ tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, vợ chồng bác sĩ thẩm mỹ Chiêm Quốc Thái, người mẫu Ngọc Thúy và chồng cũ… Mới đây nhất, liên quan tới tin tức ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates, Fox News cho rằng, do không có hợp đồng tiền hôn nhân nên quyết định phân chia khối tài sản khổng lồ của họ đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
Trên đây là những điển hình dễ nhìn thấy vì nó rơi vào các nhân vật nổi tiếng. Trong đời thường, sự tranh luận, cãi vã, thậm chí bạo hành nhau xảy ra do không thỏa thuận được một số quy tắc sống, đồng thời tranh chấp sau khi ly hôn, bao gồm tranh chấp quyền nuôi con và tài sản cũng rất phổ biến.
Nếu như trước khi cưới nhau, các cặp đôi cẩn thận lập một hợp đồng tiền hôn nhân thì mọi việc cứ chiếu theo đó mà thực thi, cần thiết thương lượng gia giảm cho phù hợp tình tình thực tế, thì vấn đề sẽ đỡ rắc rối hơn nhiều. Trước hết là đỡ phải tốn tiền cho luật sư, đỡ tốn thời gian đi lại hầu tòa lần này sang lần khác, đỡ phải tranh cãi bới móc “đời tư” của nhau trước mọi người. Sau đó là khiến cho mối quan hệ sau ly hôn sẽ nhẹ nhàng hơn, gia đình hai bên và con cái ít tổn thương hơn.
Nói đến hợp đồng tiền hôn nhân, mọi người thường chỉ nghĩ đến việc phân chia tài sản. Không phải như vậy. Nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân còn bao gồm cả những quy ước thỏa thuận liên quan đến các sinh hoạt đời sống, cách giáo dục con cái, cách quản lý tài chính, đến nghĩa vụ với gia đình hai bên nội ngoại…
Anh Vinh là phóng viên, rất tâm đắc và ủng hộ việc lập hợp đồng tiền hôn nhân dựa vào sự thành công của bản thân anh. Anh cho biết, công việc của anh là một phóng viên chuyên viết mảng thời sự xã hội, anh thường xuyên phải hóa thân vào các nhân vật ăn chơi, đàn đúm; thời gian tác nghiệp không kể sáng tối, có thể kết giao với bất kỳ thành phần nào trong xã hội. Anh là con trai trưởng và là độc đinh có trách nhiệm phải lo cho bố mẹ và các em ngoài quê tận Bình Định trong hoàn cảnh bố mẹ không khá giả gì. Còn vợ anh sinh ra và lớn lên ở TP. HCM, sống trong một gia đình tứ đại đồng đường, nguyện vọng muốn lập nghiệp và sinh sống tại TP. HCM.
Trước khi cưới nhau, nói hợp đồng thì quá nghiêm trọng, nhưng anh chị đã thảo chung một bảng quy ước thỏa thuận các điều khoản mà mỗi bên đưa ra cần sự nhất trí cao của đối phương. Anh cần chị tôn trọng nghề nghiệp của anh, không cản trở ghen tuông khi anh đi tác nghiệp. Chị cần anh sự chung thủy, không lấy cớ công việc để giao du quan hệ bừa bãi. Anh thỏa thuận với chị ở rể trong Sài Gòn không bắt chị về quê. Họ thống nhất dù trai hay gái chỉ sinh hai con… và một số thỏa thuận khác.
Anh Vinh cũng cho biết thêm về tài sản, do hôn nhân bắt đầu thuở hàn vi, không có của cải gì nên về khoản này anh chị chỉ ghi đơn giản: Tài sản sau này nếu có thì mỗi người được sở hữu phân nửa bằng nhau, trong phân nửa của mỗi bên sẽ bao gồm phần đều nhau của các con.
Anh rút ra kết luận, chính nhờ “hợp đồng” tiền hôn nhân này mà suốt gần hai mươi năm qua, anh chị sống với nhau rất bình yên và hạnh phúc.
Trong bối cảnh hợp đồng tiền hôn nhân hãy còn xa lạ và còn nhiều tranh cãi, thì ở một diễn biến khác, số vụ ly hôn cứ ngày càng tăng mạnh. Điều này đặt ra một thực tế cho những ai có ý định kết hôn hãy thấy rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của hợp đồng tiền hôn nhân.
Sandra Mendell, luật sư thuộc Jaffe Family Law Group tại Los Angeles (Mỹ) chia sẻ: “Cái gọi là hợp đồng tiền hôn nhân ban đầu có thể sẽ khiến hai bên rất khó xử, nhưng lại là thứ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mỗi người khi xảy ra tranh chấp”.
Rất nhiều doanh nhân đã cố duy trì mối quan hệ vợ chồng vì họ sợ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến tài sản và công việc kinh doanh của họ. Và đây sẽ còn là mối bận tâm đôi khi dẫn đến bế tắc cho đến khi nào lập hợp đồng tiền hôn nhân trở thành một thói quen.