'Sóng ngầm' sát thủ của hôn nhân
(DNTO) - Mỗi chiều tan ca, anh Hải không buồn về nhà. Anh la cà quán xá khắp nơi. Mà thật ra từ lâu rồi, với anh, ngôi nhà ấy chỉ như là một chỗ trọ qua đêm. Ở đó quạnh hiu, buồn bã và trống trải quá.
Anh Hải vốn là nhân viên của một xưởng đóng tàu. Thu nhập hằng tháng của anh đủ mang đến cho gia đình một cuộc sống sung túc và ổn định. Vợ anh, chị Ngoan, ở nhà chỉ mỗi việc cơm nước và đưa đón con gái đi học. Ngày nghỉ anh thường hay đưa vợ con đi ăn uống, xem phim. Mùa hè gia đình họ cùng nhau đi du lịch. Ngày lễ tết đưa nhau về quê thăm thú họ hàng… Ngôi nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười ấm áp.
Nhưng những ngày hạnh phúc ấy bỗng trở nên ngắn ngủi khi không may công ty chỗ anh làm bị giải thể. Thời điểm ấy bé Hà con gái anh vừa lên tám tuổi. Thất nghiệp, Hải tạm thời xin làm bảo vệ cho một cửa hàng với mấy triệu bạc tiền lương một tháng. Mọi chi tiêu trong gia đình bị xáo trộn, khó khăn chồng chất khó khăn.
Trước hoàn cảnh đó, chị Ngoan tập tành ra chợ. Nhờ nhanh nhẹn lại có duyên mua bán, không bao lâu sau, chị mở được một sạp hàng quần áo khá lớn. Từ đó, chị trở thành lao động chính trong nhà.
Chuyện anh Hải mất việc chuyển qua làm bảo vệ, mới đầu chỉ khiến chị Ngoan thấy buồn và lo lắng, đôi khi cũng chạnh lòng thương anh. Nhưng việc anh Hải an phận, chấp nhận làm bảo vệ trong khi bản thân có chuyên môn, lâu dần khiến chị Ngoan thất vọng. Chị bắt đầu buông lời dèm pha, đay nghiến cho anh là một người bất tài, nhu nhược, không có ý chí tiến thủ. Anh Hải thì nhiều năm làm bảo vệ đã quen việc lại thấy kinh tế gia đình đã có chị lo toan nên không muốn thay đổi, bon chen nữa.
Sự an phận của anh Hải khiến vị thế của anh cũng dần thay đổi. Anh không còn tiếng nói, mọi việc trong nhà đều do chị Ngoan quyết định. Nhà nội ở cách có nửa cây số nhưng kể cả lễ, tết, vợ anh cũng không ghé qua với lý do bận buôn bán. Anh Hải cảm thấy trầm uất, tổn thương vì bị vợ xem thường. Nhưng anh vẫn chấp nhận nín nhịn. Nhưng từ đó, tan ca, anh không buồn về nhà. Anh la cà khắp quán xá, chờ khi vợ con đã ngủ, anh mới thất thểu quay về. Mà thật ra từ lâu rồi, với anh Hải ngôi nhà ấy chỉ như là một chỗ trọ qua đêm. Ở đó quạnh hiu, buồn bã và trống trải quá.
Cuộc sống vợ chồng càng ngày càng tẻ nhạt, quan hệ chăn gối thưa dần… dẫn tới việc mặc dù vẫn sống chung nhà nhưng họ không ăn chung, ngủ chung, thậm chí rất ít khi nói chuyện với nhau.10 năm, sức chịu đựng của anh Hải đã cạn kiệt. Anh đề nghị ly hôn.
Tại phiên tòa, sau khi nghe chồng kể lể ngọn ngành, chị Ngoan đứng lên khẩn thiết: "Không! Tôi không đồng ý ly hôn. Chồng tôi vốn là một người hiền lành, kiệm lời. Trước đây, anh chưa từng nói với tôi những khúc mắc trong lòng. Những chuyện anh bộc bạch ở tòa hôm nay thật sự làm tôi rất bất ngờ".
Trước những lời “cáo buộc” của chồng, chị Ngoan cho biết: Không phải chị xem thường chồng mà vì công việc của một tiểu thương quá bận rộn. Hằng ngày chị đều phải ra khỏi nhà từ lúc mờ sáng, đến chiều tối về thì đã mệt lã. Nhiều lúc thấy chồng về khuya, chị cũng cho qua. Suốt ngày bán buôn mệt quá nên chị cũng không hỏi dông dài.
Chị Ngoan còn nói thêm, do anh vốn chậm chạp, ít nói, còn chị là “dân buôn bán” nên năng động, thường xử lý công việc rất nhanh nên đôi khi chị quyết định không thông qua ý kiến của chồng. Chị cho rằng, mọi quyết định của chị đều nhắm vào lợi ích chung chứ không cho cá nhân chị hoặc làm tổn hại gia đình. Thấy anh làm thinh, chị đinh ninh chồng ủng hộ mình chứ đâu có ngờ anh nghĩ chị xem thường anh.
Còn theo Hà con gái của họ thì: "Mẹ con là người sống hết lòng vì chồng, vì con. Từ nhỏ đến nay, con chưa từng thấy mẹ sắm sửa gì cho riêng mình. Suốt ngày chỉ quần quật buôn bán để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc cha nộp đơn ly hôn là một sự bất ngờ và là cú sốc tâm lý lớn đối với con…”
Đây là một câu chuyện cụ thể của một gia đình cụ thể nhưng hình như nó rất quen thuộc trong đời sống. Giá như anh chị sớm nhận ra những thay đổi của bạn đời để lắng nghe, chia sẻ; Giá như Hải chịu mở lòng một chút, chịu nói ra những suy nghĩ của mình với người phụ nữ bên cạnh; Giá như chị Ngoan biết bớt chút thời gian cho công việc làm ăn, để ý quan sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chồng… và có sự thông cảm thì sự việc đã không đến nỗi.