Cùng chồng trưởng thành
(DNTO) - “Sang đổi vợ”, phụ rẫy người bạn đời đã cùng họ bước qua chặng đường dài gian khó vất vả, đồng cam cộng khổ thuở hàn vi, người đàn ông thật đáng trách. Nhưng xét ở một góc độ nào đó thì người vợ cũng không phải hoàn toàn vô can.
Trong lịch sử cũng như trong các tuồng tích, các giai thoại dân gian, chúng ta vẫn thường nghe bắt gặp nhiều câu chuyện đại loại như: Anh học trò nghèo có vợ ở quê, lai kinh ứng thí, đổ trạng nguyên, được các quan lại triều đình, thậm chí nhà vua gã con gái cho nhưng nhứt định từ chối dù có bị xử tội hình. Với họ, giữ trọn cái nghĩa tào khang thời tấm mẵn không chỉ là đạo lý ở đời mà còn là nghĩa khí của bậc trượng phu.
Trong đời thật, cũng có rất nhiều người đàn ông từ hai bàn tay trắng, bước ra xã hội thành công, vinh hiển vẫn không hề phụ bạc người bạn đời quê mùa nghèo khó của mình. Nhưng nếu sự đời hoàn toàn tốt đẹp như thế thì đã không có câu: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”.
Khi nghèo khó, người đàn ông rất dễ hài lòng với mọi thứ mà họ có, kể cả người đàn bà bên cạnh họ, vậy là đã “đôi lứa xứng đôi” không có gì phiền hà. Tuy nhiên, xét về góc độ tâm lý, theo các chuyên gia thì bản chất của người đàn ông là thích chứng tỏ mình, thích chinh phục, khám phá và đặc biệt là “ham của lạ”.
Giàu sang, quyền lực đã trao cho họ cơ hội và điều kiện thuận lợi để bộc phát những thuộc tính ấy chứ không phải do nhiều tiền của, lắm quyền uy biến họ thành ra như thế.
Những người đàn ông “sang đổi vợ”, tất nhiên là đáng trách. Nhưng tình huống của anh Minh Đạt sau đây cũng thật đáng suy ngẫm.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, Đạt là anh cả trong số 8 anh chị em. Hết lớp 12 không có điều kiện theo học đại học, Đạt nghỉ ở nhà phụ cha mẹ đi làm thuê. Lấy vợ ra riêng, với lưng vốn ít ỏi tiền mừng cưới, hai vợ chồng Đạt thu mua nông sản quanh vùng đem ra vựa cân lại lấy lời. Nhờ chăm chỉ siêng năng, từ anh thu mua cò con, anh trở thành chủ vựa rồi thành lập hẳn doanh nghiệp tư nhân chuyên xuất khẩu đi châu Âu các mặt hàng nông sản VietGAP, linh động mùa nào thức nấy.
Là ông chủ của một doanh nghiệp, vị thế của Đạt đã khác anh nông dân. Tất nhiên, tự thân môi trường công việc, vị trí xã hội, các mối quan hệ buộc anh phải thay đổi để thích nghi, tồn tại và phát triển. Để dễ dàng quan hệ trao đổi với đối tác người nước ngoài, Đạt chăm chỉ học thêm các ngoại ngữ. Anh còn trang bị thêm cho mình nhiều bằng cấp chuyên môn để tự tin hơn trong việc điều hành doanh nhiệp.
Vợ anh - chị Nga - thì khác. Vốn xuất thân là một người phụ nữ nông thôn, ít học, tính tình chân chất, thật thà có phần hơi vụng về. Cách sống của người nhà quê đã ăn sâu vào máu thịt, rất khó để chị thay đổi. Mà thật ra trong thâm tâm Nga cũng không muốn thay đổi mặc dù chị rất hãnh diện có một người chồng thành đạt. Chị thấy mình thật sự bình yên, cuộc sống đầy đủ, sung sướng không mong muốn gì hơn. Mặc dù anh Đạt tạo cho chị rất nhiều cơ hội để chị có thể cùng anh sánh bước. Nhưng chị không tỏ ra cố gắng.
Một lần, có khách tới nhà, thoáng thấy bóng chị ngoài sân vườn, người ta tưởng nhầm chị là bà giúp việc. Anh nhẹ nhàng góp ý thì chị túng quá nói liều: “Tui vậy đó, anh không thích thì đi lấy ai xứng với anh thì lấy”. Rồi chị lu loa khóc kể, nhắc lại cái thời nghèo khó ở quê, chị thương anh thế nào, vất vả thế nào, nhịn ăn nhịn mặc thế nào… Thế là anh động lòng trắc ẩn, nhưng không biết cái lòng trắc ẩn ấy sẽ chiến thắng sự cám dỗ ngoài kia được bao lâu.
Cho thấy, trong việc “sang đổi vợ” của đàn ông không phải chị em phụ nữ mình hoàn toàn vô can. Hôn nhân là một hành trình. Trên con đường ấy cả hai phải luôn luôn cùng bước song song bên cạnh bên nhau. Người phụ nữ vì thế buộc phải trưởng thành cùng chồng. Từng lúc cần thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh sống, phù hợp với vị thế của người đàn ông bên cạnh mình.
Có một mẩu chuyện vui có thật. Chuyện xảy ra vào thời còn khá nhiều phụ nữ không được đi học. Sau khi đắc cử vào hội đồng nhân dân, để làm gương cho dân, ông “hội đồng” vận động bà “hội đồng” đi xóa nạn mù chữ ở lớp bình dân học vụ. Sau nhiều lần bị ông ví von: “Có chữ như giữ chìa khóa”, bực mình bà bèn chốt hạ: “Ông muốn giữ chìa khóa thì giữ đi, tui hổng giữ…”
Sự lười biếng, kém ý chí phấn đấu sẽ khiến người phụ nữ dần dần tụt lại phía sau trên cuộc hành trình của hai người. Và đến một lúc nào đó, ngoảnh lại, người đàn ông của bạn chỉ nhìn thấy bạn là một cái bóng mờ nhàn nhạt ở xa xa. Chuyện “đổi chác” gì đó có xảy ra hay không phụ thuộc vào tình yêu thương, bản lĩnh, trách nhiệm và lòng chung thủy của người đàn ông.