Giáo dục con trẻ giữ gìn giá trị cốt lõi của Tết

(DNTO) - Cách “ăn Tết” của con người ngày nay có thể ít nhiều thay đổi, nhưng tinh thần “tống cựu nghinh tân” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vẫn là giá trị cốt lõi của Tết. Giữ gìn giá trị này không chỉ là ý thức của người lớn mà cần truyền dạy cho con trẻ bằng những việc làm thực tế.
Hôm nay là ngày đầu tiên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho tất cả mọi người. Người lớn nghỉ việc, trẻ em nghỉ học để đón Tết.
Khác với thông lệ hàng năm, năm nay, chúng ta đón Tết trong sự dè dặt, cẩn trọng với dịch bệnh. Có thể điều này sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến chương trình du xuân của mọi người. Nhưng không khí Tết trong mỗi gia đình Việt Nam không vì thế mà mất đi sự linh thiêng và niềm hứng khởi về một năm mới tràn đầy hy vọng.
Vì thế việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị thức ăn ngày Tết và các nghi thức truyền thống trong mỗi gia đình vẫn được thực hiện.

Tập cho trẻ cùng bố mẹ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đón Tết. Ảnh: TL
Chuẩn bị Tết
Ngày nay, trong xã hội hiện đại và công nghiệp phát triển, hộ gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến, người phụ nữ hầu hết đều đi làm việc ngoài xã hội như nam giới. Giống như mọi người lao động khác, họ cũng có thời gian nghỉ Tết nhất định và thường là bắt đầu từ ngày rất cận Tết. Do đó, thời gian chuẩn bị Tết không có nhiều.
Vì thế, gia đình nào có điều kiện thường nhờ dịch vụ đến phụ giúp, còn không thì đây là thời gian tất bật, thậm chí rất vất vả với mọi người nhất là phụ nữ trong gia đình.
Để mọi người cùng chia sẻ với nhau trong công việc chuẩn bị đón Tết, và cũng để giúp trẻ hoạt động thể chất vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình; giúp trẻ phát huy sáng kiến, cảm nhận và trân quý những thành quả do tự tay mình làm ra, đồng thời hiểu được sự vất vả của cha mẹ, cho dù có nhờ dịch vụ, bố mẹ cũng nên “chừa phần” cho trẻ những công việc vừa sức.
Những công việc trẻ có thể tham gia gồm dọn dẹp đồ chơi cho ngăn nắp, sắp xếp lại tủ quần áo cá nhân, lau dọn góc học tập… Lớn hơn một chút, bé trai có thể tham gia lau chùi, dọn dẹp, trang trí nhà cửa; bé gái có thể phụ mẹ làm bánh mứt, các công việc nhà bếp…
Đón Tết
Tùy theo truyền thống, hoàn cảnh, điều kiện mà mỗi gia đình có những hoạt động đón Tết khác nhau. Song, Tết Nguyên đán được xem là Tết cổ truyền nên nhất thiết phải gìn giữ những phong tục đẹp của tổ tiên truyền lại, trong đó không thể không kể đến phong tục mừng tuổi, chúc tết ông bà và người thân.
Vì thế, làm gì thì làm, đi đâu thì đi, bố mẹ nên dành cho con cái một khoảng thời gian nhất định để thăm viếng ông bà. Nếu ông bà ở chung nhà thì việc mừng tuổi chúc thọ ông bà cũng nên được sắp đặt trang nghiêm, cẩn trọng và chân thành, tình cảm.
Việc con cháu tụ họp ở nhà thờ tổ để cúng bái tổ tiên, cầu nguyện cho những người đã khuất, chúc Tết ông bà, thăm viếng họ hàng là để gắn kết tình cảm gia đình dòng tộc, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, luôn biết tri ân tổ tiên ông bà, hiếu kính cha mẹ… Việc làm này mang ý nghĩa giáo dục hiệu quả hơn hàng vạn lời giáo huấn đối với trẻ.
Qua đó, giúp con trẻ hiểu rõ về những đóng góp của tổ tiên để lại phần phước cho con cháu, biết được sự vất vả khó khăn của ông bà đã nuôi cha mẹ chúng như thế nào. Cũng là để muôn đời sau con cháu chúng ta vẫn gìn giữ được phong tục tốt đẹp này.
Tết, thời khắc chuyển giao của năm cũ sang năm mới, “dọn dẹp” cái cũ để đón chào cái mới nói lên tinh thần lạc quan luôn hướng về một tương lai với nhiều hy vọng tốt đẹp về sự ấm no, sung túc, hạnh phúc và phát triển của người Việt.
Tết, dịp để các thế hệ trong gia đình cùng nhau ôn cố tri tân, ghi nhớ và đền đáp công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây chính là những giá trị cốt lõi của Tết.
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều phong tục, lễ hội cũng dần thay đổi theo cho phù hợp với thực tế đời sống, cách “ăn tết”, “chơi tết” của con người có thể ít nhiều thay đổi nhưng giá trị cốt lõi ấy sẽ không bao giờ thay đổi vì nó chính là gốc rễ của một dân tộc.

Giáo dục con trẻ đạo lý "uống nước nhớ nguồn" trong dịp tết. Ảnh: TL
Vì thế, gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết không chỉ là ý thức của người lớn mà cần truyền dạy cho con trẻ bằng những việc làm thực tế. Mặc dù đã rất nhiều năm định cư ở nước ngoài nhưng rất nhiều gia đình người Việt vẫn ăn Tết cổ truyền của dân tộc mình trên tinh thần “tống cựu nghinh tân” và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” rất trang trọng và linh thiêng, mục đích cuối cùng chỉ mong con cháu đời sau không quên nguồn cội.
Tết mỗi năm một lần, tuổi của con cũng theo Tết mà lớn lên, con sẽ xa dần tuổi thơ của mình, con sẽ trưởng thành và cũng như chúng ta, các con sẽ có nhiều lo toan trong ngày Tết. Vì thế khi các con còn bé, chúng ta nên tạo điều kiện cho con trẻ có được những cái tết thật vui tươi, hồn nhiên, bổ ích và có nhiều ý nghĩa với các hoạt động mang tính hiện đại nhưng cũng không xa rời những phong tục truyền thống tốt đẹp.