Doanh nhân Sao Đỏ Đinh Đức Thắng: Hệ sinh thái doanh nghiệp giúp ngành hóa dầu Việt Nam tự chủ
(DNTO) - Theo ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Stavian, việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn, đồng thời giúp nền công nghiệp nhựa và hóa dầu Việt Nam tăng cường tính tự chủ và phát triển đúng với tiềm năng vốn có của ngành.
Những năm gần đây, khái niệm “Hệ sinh thái doanh nghiệp” (Business Ecosystem) ngày càng trở nên phổ biến. Mô hình này có ảnh hưởng tích cực và quan trọng tới các ngành công nghiệp như luyện kim, cơ khí, chế tạo, năng lượng, hóa chất…, đặc biệt là ngành công nghiệp nhựa và hóa dầu – vốn là những ngành công nghiệp nền tảng để các ngành công nghiệp khác có điều kiện và tiền đề để phát triển.
Tại thị trường Việt Nam, với gần 15 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Stavian là một trong những doanh nghiệp phân phối hạt nhựa nguyên sinh và các sản phẩm hoá dầu hàng đầu khu vực và trên thế giới, đồng thời đang từng bước phát triển thành công hệ sinh thái doanh nghiệp Stavian.
Nhân dịp Tập đoàn Stavian được vinh danh “TOP10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam ngành Công nghiệp Chế biến – Chế tạo”, ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Stavian đã có những chia sẻ về ngành công nghiệp hóa chất – hóa dầu cùng chiến lược và kế hoạch phát triển của Stavian.
Là người đã gắn bó nhiều năm trong ngành, đâu là những thách thức và tiềm năng của ngành này, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam, thưa ông?
Tại hầu hết các nước phát triển, ngành công nghiệp hóa chất, hóa dầu luôn có vai trò, vị thế rất quan trọng, được coi là “Ngành công nghiệp của mọi ngành công nghiệp”. Các sản phẩm đầu ra của ngành hóa chất, hóa dầu là đầu vào của gần như toàn bộ các ngành công nghiệp khác, thậm chí là cả nông nghiệp.
Vì vậy, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát những ngành công nghiệp nền tảng như nhựa, hóa dầu, hóa chất, giấy… vẫn tăng trưởng khá tốt với nhu cầu thị trường ổn định. Triển vọng cho ngành nhựa cũng thuận lợi nhờ hàng loạt các hiệp định toàn diện (FTA thế hệ mới) được Việt Nam ký kết trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, ngành này tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn non trẻ so với các nước phát triển trên thế giới, và rất nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa dầu, hóa chất còn phải nhập khẩu. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp nhựa hiện phải nhập khẩu nguyên vật liệu, dẫn tới tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh tại chính sân nhà và cũng chính vì thế nên đã gây ra nhiều rào cản để phát triển trên thị trường quốc tế.
Vậy ngành nhựa Việt Nam cần đổi mới và phát huy những thế mạnh gì để giải quyết những khó khăn trên?
Bộ Công thương đề ra mục tiêu phát triển ngành nhựa Việt Nam trở thành một ngành đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ, có khả năng hội nhập cao vào kinh tế khu vực và thế giới.
Vì vậy, doanh nghiệp nhựa trong nước cần chủ động tái cơ cấu đầu tư và tăng cường năng lực nghiên cứu, tập trung đầu tư máy móc theo chuẩn công nghệ mới, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tích cực chuyển đổi số và tự chủ xây dựng hệ thống nguồn cung ứng, sản xuất, chế biến tuần hoàn. Việc phát triển hệ sinh thái bổ trợ đa ngành theo hình thức khép kín, từ nguyên liệu sản xuất tới sản phẩm đầu ra sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chủ động trong kinh doanh trước chuyển biến của thị trường.
Theo dòng thời sự, Tập đoàn Stavian đã có hành động gì để bắt kịp xu hướng trên?
Nhận ra được tiềm năng phát triển bền vững của ngành đối với nền kinh tế – xã hội cũng như những khó khăn đang tồn tại, Tập đoàn Stavian đã sớm xây dựng và nỗ lực phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp Stavian.
Chúng tôi tự hào giới thiệu giải pháp “One-stop shop” điều phối toàn diện giữa đơn vị lọc hoá dầu và đơn vị sản xuất nhựa, với 12 giải pháp chi tiết ưu việt dành cho khách hàng từ: cung cấp nhựa nguyên liệu, vận chuyển logistics và kho bãi khắp thế giới, thủ tục hải quan, hỗ trợ giải pháp tài chính cho tới tư vấn kỹ thuật – công nghệ và máy móc thiết bị, hỗ trợ quản lý sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh đó, Stavian cũng chú trọng đầu tư và mở rộng phạm vi kinh doanh sang các ngành nghề bổ trợ và liên quan như logistics, năng lượng, hóa chất, bao bì thân thiện môi trường, phân phối hàng tiêu dùng, bất động sản, đầu tư 4.0 và vật liệu mới công nghệ cao.
Có thể nói những nỗ lực của Stavian đang nhận được sự công nhận xứng đáng. Trong tương lai, Tập đoàn có kế hoạch gì để hoàn thiện hệ thống và phát triển doanh nghiệp?
Mới đây, Tập đoàn đã chính thức triển khai dự án Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên với tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỷ USD và quy mô sản xuất 600.000 tấn Polypropylene/năm. Mục tiêu là góp phần nâng cao hơn nữa khả năng tự chủ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nội địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh và các tỉnh lân cận.
Song song với đó, Stavian đặc biệt quan tâm tới việc phát triển bền vững và có trách nhiệm. Hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất của chúng tôi thường xuyên được đầu tư đổi mới, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất. Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên cũng được trang bị công nghệ bản quyền, dây chuyền sản xuất hiện đại nhất thị trường từ các nước khối G7, đảm bảo tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường và đưa phát thải khí nhà kính ròng về 0 vào năm 2050.
Với tầm nhìn dài hạn, Stavian kiên định tiếp tục phát triển trở thành Tập đoàn đa ngành – đa quốc gia, tích cực bảo vệ môi trường và hoạt động có trách nhiệm cao với cộng đồng.