Điều tra những cá nhân giúp ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán
(DNTO) - Trong trường hợp cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính mà sau đó xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm, phải xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Theo cơ quan điều tra, Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam để làm rõ những sai phạm liên quan đến việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1.
Cũng liên quan đến vụ bán “chui” cổ phiếu này, Trịnh Văn Quyết đã bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng bởi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Không báo cáo về giao dịch dự kiến” từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nói rõ hơn về việc Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam dù đã bị phạt hành chính, đình chỉ hoạt động chứng khoán, Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết:
Tháng 1/2022, Trịnh Văn Quyết bị xử phạt hành chính về hành vi không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán. Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, cơ quan chức năng phát hiện trong vụ việc bán chui cổ phiếu ngày 10/1, Trịnh Văn Quyết đã có nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi để tạo cung, cầu giả, đẩy giá cổ phiếu nhằm thu lời bất chính số tiền từ 500 triệu đồng trở lên. Do đó, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
“Trong trường hợp cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính mà sau đó xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm, phải xử lý hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, sau khi bị khởi tố, điều tra thì toàn bộ quyết định xử phạt hành chính trước đây đều không có hiệu lực”, Thiếu tướng Lê Văn Tân cho biết.
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Ngoài ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam, hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tích cực điều tra những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để bị can thực hiện hành vi vi phạm.
Trong quá trình xác minh điều tra, cơ quan Công an sẽ xem xét, làm rõ mục đích, vai trò của từng người để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu những người đó thực hiện hành vi dưới danh nghĩa công ty (pháp nhân), nhằm trục lợi bất chính cho đơn vị thì tùy theo mức độ thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư và số tiền thu lợi bất chính, pháp nhân này có thể bị phạt tiền từ 2-10 tỷ đồng.
Trường hợp người thực hiện hành vi dưới danh nghĩa cá nhân, tiếp tay làm lũng đoạn thị trường nhằm tư lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự. Ngoài ra, những đối tượng này còn phải bồi thường dân sự cho những nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Ủy ban chứng khoán rút kinh nghiệm, khắc phục sai phạm
Cũng liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu, ngày 1/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin xoay quanh quyết định kỷ luật một số thành viên chủ chốt của cơ quan này. Theo đó, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chấp hành các quyết định từ các cấp có thẩm quyền, nghiêm túc rút kinh nghiệm để cùng nhau khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, đồng thời đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đơn vị thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn và phát triển bền vững.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu rõ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại Kỳ họp thứ 13 diễn ra từ ngày 28 đến ngày 31/3 tại Hà Nội đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó điểm III đã có nội dung: “Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Các ông: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.