Để thúc GDP 6 tháng cuối năm: Cần quyết liệt 'kích' tổng cầu
(DNTO) - 6 tháng đầu năm, năng lực sản xuất vẫn chưa chuyển hóa thành kết quả tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra. Các chuyên gia cho rằng vấn đề hiện nay của nền kinh tế dường như đang nằm ở tổng cầu. Do đó, cần có những hỗ trợ đột phá, mở rộng dư địa tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay, trước hàng loạt khó khăn về thị trường, vốn, giá cả đầu vào tăng cao khiến hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm, đây được cho là nguyên nhân chính làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế và cũng là trở lực lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72% tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% trong khi mức suy giảm của Thái Lan chỉ là 5,1%, Indonesia 6%, Malaysia giảm 2,3%. Xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng là điểm dễ bị tổn thương khi điều kiện thị trường toàn cầu trở lên bất lợi.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm: “Phục hồi tổng cầu - thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, ngày 11/7, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp kích cầu có chọn lọc và kết hợp các chính sách cải thiện các tổng cung tiềm năng.
Đề xuất các giải pháp kích cầu, gợi ý về chính sách, ông Thế Anh cho rằng, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn; Tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục trên thị trường tài sản. Bên cạnh đó, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn; Cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quan 10%; Tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập; Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá.
Đồng thời nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Bổ sung hoặc xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm VAT hàng thiết yếu.
Cần "rót vốn" vào đổi mới sáng tạo để thường xuyên có sản phẩm mới, tăng khả năng thâm nhập sâu thị trường, dẫn dắt thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Đây là cách làm của nhiều nước nhất là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới", ông Thế Anh cho hay.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nêu giải pháp, để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, cần có những hỗ trợ đột phá. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Theo ông Trung, bài toán đầu tiên phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn. Ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường.
"Đặc biệt phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung chỉ rõ.