Đầu tư phim Việt: Nhà sản xuất liên tục bị thua lỗ
(DNTO) - Gần đây, số lượng các phim Việt ra rạp bị lỗ nặng ngày càng nhiều khiến các nhà sản xuất không khỏi “choáng váng’. Việc tìm ra công thức để chinh phục thị hiếu khán giả ngày càng khó khăn với các nhà sản xuất.
Những con số ..ám ảnh nhà đầu tư
Ngay khi ra mắt phim Kẻ thứ ba, nữ diễn viên - nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ cũng không tự tin về việc phim có chinh phục được khán giả không, bởi cô bị rơi vào tình cảnh làm nhà đầu tư bất đắc dĩ. Tuy nhiên, đầu tư hơn 33 tỉ đồng, chưa kể các chi phí quảng bá, mời nam diễn viên chính cùng đạo diễn từ Hàn Quốc sang ra mắt, Lý Nhã kỳ cũng không thể tưởng tượng phim ra rạp chỉ hơn... 1 tỉ đồng.
Sau 15 ngày chiếu, theo Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim không chạm nổi mốc một tỷ. Đại diện nhà phát hành cho đến nay dù không công bố số liệu chính thức, nhưng cho biết doanh thu của phim chỉ chênh lệch 10% so với con số Box Office cung cấp. Đến ngày 27/5, tại hệ thống CGV, Galaxy, phim không còn suất, dần bị rút khỏi các cụm rạp khác.
Tiếp theo Kẻ thứ ba, phim “578- phát đạn của kẻ điên” do ê kíp đạo diễn Lương Đình Dũng cũng rơi vào ‘bi kịch’, khi chỉ thu được tầm 3 tỉ đồng, trong khi chi phí sản xuất công bố 60 tỉ đồng. Theo thống kê từ Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập - phim thu khoảng 3 tỷ đồng sau gần một tuần trình chiếu. Mặc dù được giới thiệu rầm rộ có sự tham gia diễn xuất lần đầu tiên của Hoa hậu H’Hen Niê, nhưng phim vẫn không thu hút được công chúng đến rạp .
Mới đây, phải kể đến là trường hợp của Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, một tác phẩm được đầu tư công sức của đạo diễn Hàm Trần cũng không được khán giả chào đón. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện phim nổi tiếng được nhiều người yêu thích thập niên 80-90 Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống, được xây dựng lại với những tình tiết xoay quanh cuộc sống của cậu bé Hùng, một cậu bé mồ côi mẹ, sống cùng cha trong chung cư cũ. Hùng đối diện với nỗi cô đơn cho đến khi Maika - cô bé ngoài hành tinh xuất hiện.
Đây là một trong hai bộ phim về đề tài trẻ em - gia đình tham gia tranh giải tại LHP Sundance (Mỹ). Phim được xem là "hàng hiếm" của điện ảnh Việt bởi những yếu tố viễn tưởng được khai thác rất ấn tượng và đầy tính sáng tạo dưới bàn tay của đạo diễn Hàm Trần. Đạo diễn cũng kỳ vọng phim chạm được vào cảm xúc khán giả, nhưng xem ra tình hình vẫn không khả quan.
Thế nhưng, thông tin từ kênh phân tích dữ liệu doanh thu phòng vé tại Việt Nam, trong 7 ngày công chiếu chỉ mới đạt con số 2,8 tỷ đồng dù trước đó đã nhận phản hồi tốt từ giới chuyên môn. Đại diện một nhà phát hành từng thông tin về việc Maika có tổng kinh phí sản xuất khoảng 30 tỷ đồng. Do đó, bộ phim cũng đang đối mặt nguy cơ lỗ nặng.
Từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, thị trường điện ảnh trong nước dần khôi phục. Hàng chục dự án liên tiếp ra rạp, đánh dấu giai đoạn phòng vé sôi động nhất sau hơn hai năm dịch bệnh. Dù vậy, số phim thắng về doanh thu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các phim Người lắng nghe, Người tình, Mến gái miền Tây..., cũng chỉ thu về con số vài tỷ đồng.
Liên tiếp những số thu phòng vé “thất bát” gần đây là những “ám ảnh” với các nhà đầu tư làm phim. Thị trường này nhiều tiềm năng, nhưng cũng lắm rủi ro, và để tìm ra nguyên nhân, cũng là bài toán chưa có lời giải chính xác.
Khán giả thắt lưng buộc bụng hay chất lượng phim đi xuống?
Theo thông tin từ các đơn vị sản xuất, trung bình hiện nay số tiền cơ bản đầu tư cho một bộ phim vào tầm 20-25 tỷ đồng đã là một canh bạc nhiều rủi ro. Để hoà vốn, nhà sản xuất phải có doanh thu khoảng 50-55 tỷ, do phải chi trả phần thuê rạp, chi phí quảng bá, marketing…không dưới 30 tỷ. Điều này trở thành một áp lực không nhỏ cho các nhà đầu tư, khi luôn trong tình trạng “mò mẫm” tìm thị hiếu khán giả, tại thị trường phim như Việt Nam.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nhận định, thị hiếu khán giả xem phim trong nước vẫn luôn là một ẩn số khó đoán. Các công thức đặt ra như kịch bản hài nhảm, ngôi sao phòng vé… một thời đã không còn tác dụng. Khán giả phim Việt ngày càng đòi hỏi cao từ các nhà làm phim , khi chất lượng phim, kịch bản, diễn xuất của diễn viên phải làm một tổng thể hài hoà, chạm đến cảm xúc khán giả.
Không có nhà sản xuất, đạo diễn nào hiện nay dám “vỗ ngực” nắm được thị hiếu công chúng. Sự thất bại của Kẻ thứ ba và 578: Phát đạn của kẻ điên đã cho thấy sức hút của các sao nước ngoài, các gương mặt Việt Kiều đã không còn “ép phê” với công chúng.
Một kịch bản rời rạc, diễn xuất của diễn viên chính yếu kém, thoại ngô nghê,lồng tiếng không khớp.. cũng là những điểm trừ khiến các phim nói trên bị “truyền miệng” mất điểm bán vé.
Theo nhà phê bình – nhà thơ Nguyễn Phong Việt, cũng như khán giả mê phim trên thế giới, người xem Việt Nam ngày càng thích sự cầu toàn đối với một tác phẩm ra rạp.
Tuy nhiên, với phim Việt, khán giả lắm khi không đòi hỏi quá nhiều, cái họ cần duy nhất là chạm tới cảm xúc. Tiếc là những phim có kinh phí sản xuất lớn như 578: Phát đạn của kẻ điên, Kẻ thứ ba… không thể làm được điều đó dù số tiền bỏ ra để đầu tư quá lớn.
Theo lý giải của một đạo diễn, ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 đã phủ lên thị trường phim Việt, khi khó khăn về kinh tế, đời sống khiến nhiều người xem phim không còn dễ dàng mở hầu bao. Khán giả đã có sự chọn lọc kỹ khi quyết định mua vé. Hiệu ứng lời khen từ bạn bè, mạng xã hội trở thành bộ lọc cho khán giả.
Giờ đây, sự đánh giá từ công chúng đóng vai trò rõ nét hơn. Xu hướng khán giả tin tưởng bạn bè đã xem, nhận định được chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về lịch chiếu, thời gian cao điểm, thấp điểm trong năm, việc thành bại doanh thu của một phim hiện nay nhìn chung vẫn phụ thuộc vào chất lượng phim, cùng khả năng chinh phục cảm xúc công chúng.