Đạo diễn-nhà sản xuất Vân Trình: Khán giả sẵn sàng bỏ tiền để được nghe âm nhạc chất lượng cao
(DNTO) - Là người tiên phong đưa hình thức biểu diễn live band đến với khán giả dựa trên nền tảng công nghệ, đạo diễn Vân Trình được biết đến với chuỗi chương trình Phòng trà online, Xin chào... Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, đạo diễn khẳng định, hiện nay khán giả đã chịu quay lại mua vé các chương trình đầu tư chất lượng.
Lấy ngắn nuôi dài
Phóng viên: Thương hiệu Phòng trà online được nhiều người biết đến với hiệu ứng cao trong mùa dịch, nhưng vì sao hiện nay anh lại thay đổi, có loạt chương trình mang tên là Xin chào? Phòng trà online và Xin chào có mối liên hệ như thế nào?
Đạo diễn - nhà sản xuất Trần Đình Vân Trình: Ý tưởng trước đây của tôi khi thực hiện Phòng trà online là mong muốn đưa âm nhạc live band đến với không gian mở, chứ không gò bó trong một không gian kín như các phòng trà truyền thống. Tuy nhiên, lúc bắt đầu công việc thì dịch bệnh bùng phát nên chương trình đã thích ứng, phục vụ khán giả miễn phí qua hình thức trực tuyến.
Qua 5 số đã công diễn, khi tình hình dịch được kiểm soát thì có thể xem Phòng trà online đã làm xong sứ mệnh của nó với lượng khán giả tiềm năng. Trước tình hình này, chúng tôi đã quyết định thay đổi formart chương trình thành Xin chào với hướng phát triển rộng hơn, đi đến nhiều địa điểm trong và ngoài nước. Cũng với hình thức live band (nhạc sống) nhưng Xin chào được xây dựng dựa trên nền tảng văn hoá như chương trình lễ hội âm nhạc, phòng trà thiên nhiên, truyền hình thực tế…
Sự thay đổi này có phải là tín hiệu tích cực của thị trường biểu diễn sau thời gian dài khó khăn? Đây có phải là cách anh cùng ê kíp vượt qua những ảnh hưởng hậu dịch bệnh?
- Điều ghi nhận tích cực của mạng xã hội thời gian qua là đã giúp khán giả tìm lại được cảm xúc khi nghe trình diễn âm nhạc live, nhất là trong suốt thời gian bùng dịch, mọi người chỉ ở nhà xem qua nền tảng trực tuyến. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện các chương trình trực tiếp mang đến cho khán giả những không gian âm nhạc khác nhau. Chương trình Phòng trà online được đầu tư đúng chuẩn về âm thanh, cũng giúp khán giả có thể cảm nhận được những cảm xúc phiêu linh, bay bổng của nghệ sĩ một cách cụ thể, rõ ràng hơn.
Do vậy, khi tình hình dịch ổn định, khán giả cũng dần quen và không mấy mặn mà với các chương trình truyền hình được ghi hình, game show, mà họ có nhu cầu mua vé đến xem trực tiếp. Các đêm diễn live band ngày càng được mở ra, nhiều cạnh tranh hơn, trong đó có nhiều điểm tích cực, các nhà sản xuất đi tìm nhiều không gian mới, khán giả có nhiều lựa chọn, nghệ sĩ có nhiều sô hơn. Việc thay đổi này cũng là yếu tố khách quan giúp chúng tôi nhanh chóng tạo ra formart mới, thay cho mô hình cũ mà chúng tôi không thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.
Ở góc độ nhà đầu tư, anh cân đối nguồn lực thế nào để có thể thực hiện ý tưởng khi chương trình khó thể thu hồi vốn?
- Với mức đầu tư 700 triệu đồng/chương trình Phòng trà online, thật sự chúng tôi không thu lại được hơn 3 tỷ đồng vốn đã bỏ ra. Tuy nhiên, do xác định lấy ngắn nuôi dài, hướng khai thác của Phòng trà online đã giúp chúng tôi tìm được một lượng khán giả cố định cũng như đánh giá được khán giả mục tiêu để có thể đầu tư các chương trình mới, nhiều dịch vụ khác hiệu quả hơn.
Thực tế cũng cho thấy, những tính toán cân đối đầu tư trong vai trò giám đốc điều hành hợp lý giúp tôi tìm được doanh thu duy trì hoạt động công ty, cũng như bảo đảm đời sống cho nhân viên trong thời điểm khó khăn vừa qua.
Chất nghệ sĩ “lấn” chất doanh nhân
Đảm nhận cả hai vai trò nhà sản xuất và đạo diễn, điều này có mâu thuẫn gì không khi anh điều hành công việc?
- Khi là nhà sản xuất, tôi lên toàn bộ kế hoạch với các chi tiết công việc, kinh phí, cũng như tất cả các công đoạn để nhân viên của mình thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Lúc này, tôi chặt chẽ với những khoản, điều kiện để công việc kinh doanh sao có hiệu quả nhất.
Thế nhưng, khi làm công tác đạo diễn, dàn dựng thì lúc này tôi lại là con người khác, tố chất nghệ sĩ lấn át khoảng hơn 60%. Đó cũng là lúc tôi muốn đầu tư thêm chỗ này, thay ánh sáng chỗ kia, khi bản thân tôi thấy đã, hiệu quả nghệ thuật hơn, thì lúc đó tâm lý mới ổn. Bởi vậy, khi đó, tự mâu thuẫn với chính mình, quên hết chuyện lời lỗ, tôi tặc lưỡi... "chơi" luôn.
Tôi đặc biệt hướng đến sự chuyên nghiệp trong công việc, nên học hỏi nhiều từ các nước bạn. Ví dụ như chuyện đầu tư dán keo phản quang xung quanh tất cả khu vực sân khấu, hậu trường biểu diễn, để bảo đảm an toàn cho nghệ sĩ, tôi luôn chuẩn bị chu đáo dù đối tác không yêu cầu. Khi làm việc với các nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam diễn, họ cũng ngạc nhiên và không ngờ rằng phía đối tác Việt Nam đã đáp ứng rất chuyên nghiệp những chuyện tưởng rất nhỏ như vậy.
Sự chuyên nghiệp giúp cạnh tranh thế nào trong việc xây dựng thương hiệu với khán giả? Để khán giả bỏ tiền mua vé, anh tạo ra sự khác biệt gì?
- Như tôi đã nói, hiện thị trường biểu diễn đã có điểm sáng, nhưng chưa hẳn hồi phục hoàn toàn. Các nhà đầu tư luôn tìm đến với các mô hình thành công nên đương nhiên bắt đầu có sự cạnh tranh.
Cắt giảm chi phí đầu tư, thường đi theo đó là kéo các tiêu chí chất lượng đi xuống. Để tạo ra sự chuyên nghiệp và khác biệt, các chương trình do chúng tôi thực hiện luôn đảm bảo những tiêu chuẩn hình ảnh, âm thanh theo đúng chuẩn, giữ đúng thương hiệu chữ tín với khán giả
Hiện dự án nào được anh dành nhiều tâm huyết?
Thực tế, các chương trình do chúng tôi thực hiện như Xin chào Đà Lạt diễn ra hồi tháng 5/2022 tại Đà Lạt hay chương trình Xin chào Tokyo với sự tham gia của các nghệ sĩ như Văn Mai Hương, Phạm Đình Thái Ngân, Lâm Bảo Ngọc biểu diễn lần đầu tiên tại Nhật Bản (sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19) trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam tại Nhật… đã nhận được sự phản hồi rất tốt của khán giả. Tháng 10/2022 sẽ là chương trình mở màn cho chuỗi đêm nhạc Live in Nature - Giữa thiên nhiên.
Chương trình Xin chào sẽ Bắc tiến đến Hưng Yên với không gian mở độc đáo, mang đến không khí thưởng thức âm nhạc đặc biệt cho khán giả.
Không chỉ thực hiện các đêm nhạc Xin chào trong nước,chúng tôi còn bắt tay với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc để thực hiện hai chương trình ghi hình Xin chào Hàn Quốc – Hello Korea với các nghệ sĩ Vũ Cát Tường, Trọng Hiếu, Cara Phương, Phúc Bồ, Roy Nguyễn, ban nhạc 1Billion cùng với các nghệ sĩ Hàn Quốc Kisu, HoonDoo vào tháng 11/2022. Xin chào Hàn Quốc sẽ biểu diễn và ghi hình tại tỉnh Gangwon-với ý tưởng từ cảm hứng của chương trình “Begin Again in Korea”.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Nhà sản xuất- đạo diễn Trần Đình Vân Trình (sinh năm 1985- quê quán Đà lạt )
- Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc sáng tạo Công ty Quảng cáo và giải trí Top.
- Xuất phát điểm theo học ngành Công nghệ thông tin, nhưng từ nhỏ đã có sở thích về việc tổ chức chương trình, hoặc cắt dựng film – biên tập audio – video. Đã qua đào tạo khoá đạo diễn sân khấu tại Singapore trong 3 năm.
Từ 2013, thành lập Công ty Top chuyên về tổ chức biểu diễn, giải trí sự kiện và sản xuất video.
"Hãy sáng tạo, hãy xây dựng nền tảng và sẵn sàng với thử thách để luôn luôn học hỏi, cập nhật và lao động đầy đam mê. Từ đó mới không lặp lại chính mình và luôn cảm thấy tươi mới trong mọi dự án và công việc"
Là một người đam mê nghệ thuật – nhưng làm công tác kinh doanh quản lý, tôi cố gắng tự răn mình phải luôn bình tĩnh trong mọi quyết định, tự tin trong mọi hành động nhưng phải luôn tự kiểm soát lại bản thân để cân bằng được 2 cá tính trong một con người.
Đam mê và theo đuổi những giá trị thẩm mỹ trong mọi dự án, mọi sự kiện, mọi chương trình, cùng lúc, tôi luôn cân đối về tài chính, doanh thu và các quyết định mang tính bước ngoặt để đảm bảo được về mặt kinh doanh nhưng cũng thoả mãn được đam mê nghệ thuật" - Nhà sản xuất- đạo diễn Trần Đình Vân Trình.