Đại diện Cục Xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp nên tích trữ, nhanh chóng nhập khối lượng lớn nguyên liệu
(DNTO) - Trước tình trạng các loại nguyên liệu, đặc biệt là nông sản có tính chất biến động mạnh trên thị trường, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nếu doanh nghiệp huy động được vốn và khả năng lưu trữ thì nên nhập khẩu lượng lớn các loại nguyên liệu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, vừa qua, tất cả mặt hàng nguyên liệu nói chung đang biến động rất mạnh. Sự biến thiên này đều khó lường nên rất khó để dự đoán chính xác về việc giá cả nguyên liệu sẽ giảm bao nhiêu. Vì vậy, nếu huy động được vốn và khả năng lưu trữ, ông Hải cho rằng doanh nghiệp nên nhanh chóng nhập khẩu, tích trữ, khối lượng lớn nguyên liệu để tránh rủi ro giá có thể tăng hơn.
Thực tế cho thấy giá cả của nguyên liệu thô trên thế giới sẽ có sự tăng – giảm theo chu kì. Đây cũng là điều hết sức bình thường đối với tất cả các loại mặt hàng, không riêng với nguyên liệu thô. Vì vậy, phía Bộ Công thương cho biết đã thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo đối với các doanh nghiệp và các cơ quan để họ có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tính toán nhập khẩu nguyên liệu, cân đối chi phí để mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh, trong 6-7 tháng gần đây, giá nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi leo thang. Hiện tại, giá nhiều loại ngũ cốc như: ngô, đậu tương vẫn ở mức rất cao, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lao đao vì thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ dám mua theo từng tháng.
Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á (khoảng 30 triệu tấn/năm). Chỉ riêng năm 2020, các doanh nghiệp bỏ ra 6 - 7 tỷ USD để nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.Chỉ trong trong tháng đầu tiên của năm 2021, Việt Nam chi 366,49 triệu USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng mạnh 65% so với cùng kì năm trước (theo Tổng cục Hải quan).
Trong đó, nhập khẩu thức ăn gia súc từ Achentina chiếm tỉ tọng lớn nhất, đạt 121,14 triệu, chiếm trên 33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ các thị trường khác như Mỹ, EU, Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, doanh nghiệp có thể tham khảo để nhập nguyên liệu phục sản xuất, nhất là nông sản từ khu vực Mỹ La tinh, bởi đây là thị trường có nguồn cung tương đối lớn và ổn định. 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu khá nhiều thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thực vật phục vụ chế biến thức ăn gia súc từ thị trường này.
Đơn cử như năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 584 triệu USD ngô; 391 triệu USD thức ăn gia súc từ Brazil, tăng trưởng 83%. Còn tại Argentina, Việt Nam nhập khẩu ngô và thức ăn gia súc là 5 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng cung cấp của thị trường này tương đối lớn.