Cửa sáng nào cho condotel trong cơn bão Covid-19?
(DNTO) - Khó khăn bủa vây khi dịch bệnh kéo dài khiến giới đầu tư lo ngại về số phận hẩm hiu của phân khúc condotel - kênh đầu tư từng làm mưa, làm gió những năm trước.
Xuất hiện kể từ những năm 2015 cùng với sự ấm lại của thị trường bất động sản, lợi thế của mô hình đầu tư hấp dẫn đã đưa condotel nhanh chóng nằm trong danh mục đầu tư ưu tiên của giới kinh doanh sành sỏi.
Sức hút của condotel đã đưa tới nguồn cung sản phẩm ồ ạt xuất hiện trên thị trường. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018 đã có khoảng 18.000 căn condotel được xây mới dọc bờ biển Nha Trang với hàng chục tòa cao ốc. Chưa kể các khu vực như Đà Nẵng, Phú Quốc… cũng trở thành tâm điểm hội tụ của những toà condotel.
Tuy nhiên, đến năm 2019, thương vụ phá vỡ cam kết lợi nhuận khiến condotel mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Một năm sau, cú giáng bồi hoàn của Covid-19 khiến bức tranh condotel càng đậm gam màu xám.
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2020, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Và gần như cả năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng.
Đến quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch, song lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch chỉ khoảng 120 sản phẩm.
Báo cáo của DKRA Vietnam mới đây ghi nhận, trong tháng 4/2021, thị trường đón nhận 1 dự án mới mở bán với khoảng 248 căn, tăng 51% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 34% tương đương 85 căn, tăng gấp 2,4 lần so với tháng 3/2021.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp và tập trung chủ yếu ở Phú Quốc. Phân khúc condotel dần có sự hồi phục, trong ngắn hạn dự kiến nguồn cung và sức cầu phân khúc condotel có thể tăng nhưng khó có sự đột biến và tập trung chủ yếu ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các chuyên gia cho rằng, bức tranh của condotel khó rạng sáng khi ở thời điểm hiện tại làn sóng Covid-19 lần thứ 4 có diễn biến và quy mô phức tạp.
Đáng chú ý, một số chuyên gia nhận định, bản thân nội tại của thị trường bất động sản đang còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của mô hình đầu tư “lai” từng sở hữu lợi thế ưu việt.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước đó, GS.Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Với nhiều bất cập trong hệ thống pháp luật, condotel hoặc bất kỳ sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nào, ế hay tồn kho cũng là đúng".
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế và trên thị trường bất động sản, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình khẳng định, "làn sóng" Covid-19 thứ 4 lại một lần nữa gây ra tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khó dự báo được kịch bản cho lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, điển hình là condotel khi dịch vẫn còn lây lan. Vị chuyên này cũng cho rằng, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường bất động sản dần phục hồi thì phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mới có tín hiệu khả quan.