Cổ phiếu nào đang 'thảm' nhất trên sàn chứng khoán?
(DNTO) - Từng đạt mức giá trên 42 ngàn đồng mỗi cổ phiếu, tuy nhiên chỉ sao một tháng với 18 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu DDG của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương trở thành một cổ phiếu rớt thảm thị giá mất hơn 84% giá trị, lượng dư bán chồng chất.
Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp hơi nhiệt - điện, tham gia kinh doanh nhiên liệu biomass và các phế phẩm nông nghiệp dùng để sản xuất nhiên liệu biomass...
Xét qua các năm, DDG luôn giữ mức tăng trưởng khá tốt khi năm 2019 lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, thì đến năm 2021 đã đạt hơn 41 tỷ đồng và năm 2022 đạt hơn 44 tỷ đồng. Từ cuối năm 2021, giá DDG đã chạm mức 30 ngàn đồng mỗi mã. Đỉnh cao của cổ phiếu này kéo dài từ là giai đoạn tháng 3 đến đầu tháng 4/2023 với thị giá vươn trên 42 ngàn mỗi cổ phiếu.
Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 10/4 đến ngày 8/5 liên tục 18 phiên cổ phiếu của Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương luôn trong tình trạng lau sàn với mức giảm 9-10% mỗi phiên. Hiện tại, DDG đang có mức giá 6.600 đồng/cp, giảm hơn 84% chỉ trong vòng một tháng, chốt phiên hôm nay có tới hơn 15 triệu cổ phiếu dư bán trong khi đó chiều mua hoàn toàn trắng bảng.
Đà rơi sâu và đột ngột của cổ phiếu này khá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư. Giải trình từ phía công ty sau 5 phiên giảm sàn liên tiếp cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang hoạt động bình thường và không hề có biến động xấu đến giá cổ phiếu. Việc cổ phiếu giảm giá hoàn toàn do cung cầu của thị trường và nằm ngoài kiểm soát của công ty.
Đáng nói, chỉ sau một vài phiên cổ phiếu biến động, lãnh đạo và người nhà DDG ồ ạt bán tháo hàng trăm ngàn cổ phiếu. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Quang đăng ký bán 908.000 cổ phiếu với lý do tài chính cá nhân. Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Kim Sa đăng ký bán thêm 498.500 cổ phiếu với lý do tương tự. Tiếp đó, ông Yang Tuấn Anh, phụ trách quản trị công ty, đồng thời là con ruột bà Trần Kim Sa và ông Trần Kim Cương, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cũng đăng ký bán khối lượng lớn...
Trong bối cảnh chính các nhà đầu tư đang hoang mang thì động thái của lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà của họ đã hoàn toàn kéo cổ phiếu này rơi sâu vào thảm kịch.
Được biết, năm 2022, doanh nghiệp đã đạt doanh thu hơn 970 tỷ đồng tăng gần 30% so với năm 2021, đạy 110 kế hoạch đặt ra; lợi nhuận sau thuế tăng 7% so với cùng kỳ 2021, đạt 62% so với kế hoạch đặt ra. Sang năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.080 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 56 tỷ đồng tăng lần lượt 11% và 27% so với kết quả của năm trước.
Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch đang là thách thức lớn với công ty. Cụ thể, DDG đạt doanh thu thuần hơn 159 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng vọt từ 4 triệu đồng lên hơn 540 triệu đồng; chi phí bán hàng cũng tăng đột biến từ 2 triệu đồng lên hơn 3 tỷ đồng. Kết quả, DDG chỉ lãi sau thuế gần 200 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, mỗi động thái mua hay bán của các cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp đều có tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường. Việc lãnh đạo và người nhà ồ ạt bán khiến lượng cung dư thừa, thị trường hoang mang, qua đó tác động xấu đến thị giá cổ phiếu là điều không ai mong muốn.
Và với DDG, không phải nội tại hoạt động kinh doanh doanh nghiệp mà chính sự "quay lưng" của nhà đầu tư khi niềm tin của họ không còn nữa đang trở thành cản lực lớn nhất với cổ phiếu này.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-INdex đã nỗ lực vượt bậc khi tăng hơn 13 điểm, đóng cửa ở mốc 1.053 điểm tương ứng tăng 1,26%. Thanh khoản toàn thị trường đạt trên 12 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn. Nhóm chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp đã đóng góp tích cực cho thành công của phiên giao dịch.