Có nên xuống tiền theo xu hướng tăng vốn của mã ngành chứng khoán?
(DNTO) - Trong khi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường đang hẹp dần theo nhận định của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), việc chọn mã cổ phiếu theo ngành hay riêng lẻ được cho là yếu tố quyết định thành bại.
VN-Index tăng nhưng niềm vui không dành cho tất cả
Theo thống kê, trong tháng 4.2021, VN-Index tăng từ mức 1.216,1 điểm (phiên ngày 1.4) lên mức 1.239,39 điểm (phiên ngày 29.4), tăng 23,29 điểm, tương ứng mức tăng 1,92%. Tuy nhiên, cũng trong tháng này, trên sàn HoSE, có tới 235 mã giảm điểm trên tổng số 396 cổ phiếu và chứng chỉ quĩ niêm yết, chiếm 59,3%.
Thực tế đó cho thấy, chỉ số VN-Index tăng nhưng thị trường lại phân hóa mạnh, dòng tiền tập trung ở một số ngành, dòng cổ phiếu chứ không lan tỏa đều khắp thị trường, kéo theo cơ hội lợi nhuận cũng hẹp cửa hơn.
Dòng tiền trong tháng 4 bắt đầu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, đặt biệt là các nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng, bán lẻ, chứng khoán, bất động sản, công nghệ. Trong khi đó, dòng tiền chỉ giữ ở mức trung bình với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID và yếu đi thấy rõ đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ VNSML.
Ở các nhóm ngành và mã cổ phiếu thu hút dòng tiền chảy vào sôi động hơn thì cơ hội tăng giá và tìm kiếm được lợi nhuận cũng cao hơn.
Chính vì thế, theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh của YSVN, tình huống xảy ra là dù thị trường tăng điểm, nhưng sẽ có không ít nhà đầu tư nếu nắm giữ trong danh mục đa phần là mã cổ phiếu bị giảm giá, thì tài khoản cũng bị “lõm” theo, với mức phổ biến có thể từ từ 3-5%, nhiều có thể lên tới trên dưới 10%.
Bắt xu hướng các mã ngành chứng khoán tăng vốn
Theo Công ty chứng khoán Đông Á (DAS), tại thời điểm thị trường đang diễn biến đi ngang tích lũy như hiện nay, nhà đầu tư nên giải ngân theo xu hướng. Trong đó, cổ phiếu hai ngành ngân hàng và chứng khoán thường tăng giá khởi đầu cho một nhịp tăng mới.
Thị trường đang dao động đi ngang tích lũy trong khoảng từ 1.220-1.270 trong khoảng 2 tuần giao dịch trở lại đây. Nhóm mã ngành ngân hàng có mức độ tăng giá trong tháng 4 đứng thứ tư, trong khi nhóm chứng khoán xếp thứ 6.
Theo bà Bùi Thị Kim, trong bối cảnh hầu hết các công ty chứng khoán bị tình trạng “căng margin” (tỉ lệ cho vay giao dịch kí quĩ đã sáp mức trần cho phép), trong dịp đại hội cổ đông sắp tới, các công ty này sẽ quyết định về việc tăng vốn bằng cách chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu.
Lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong năm 2020 tăng mạnh. Theo thống kê, với Top 15 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường, lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 67%, sau thuế tăng 65% so với năm 2019. Lợi nhuận quí 1/2021 còn tăng mạnh hơn nhờ thanh khoản trên sàn HoSE nói riêng toàn thị trường nói chung đã tăng mạnh gấp 3-5 lần so với cùng kì năm trước.
Đơn cử như Công ty chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán VND), quí 1/2021 lợi nhuận đã đạt 40% kế hoạch năm.
Chính vì thế, các công ty chứng khoán lớn, có doanh thu và lợi nhuận tốt, càng có điều kiện để tăng vốn, góp phần giải quyết vấn đề “căng margin” hiện nay, từ đó thúc đẩy gia tăng lợi nhuận từ nguồn thu lãi cho vay margin và phí môi giới.
Tuy nhiên theo bà Kim, việc đầu tư bắt theo xu hướng tăng vốn của các mã ngành chứng khoán cũng chỉ là một yếu tố. Bên cạnh đó, dòng tiền trên thị trường cho thấy vẫn đang ổn định, những thời điểm VN-Index tăng điểm thậm chí thanh khoản còn tăng mạnh. Doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh của nhiều công ty chứng khoán chính là yếu tố bền vững để cân nhắc đầu tư vào nhóm ngành này.