Chuyên gia Passion Investment lý giải về 'sự phân vân' của dòng tiền trên thị trường chứng khoán
(DNTO) - Dù chính sách tiền tệ đã đi theo chiều hướng nới lỏng, vĩ mô tương đối ổn định, tuy nhiên mức định giá thị trường vẫn còn cao so với giai đoạn năm 2020 khiến dòng tiền trở nên phân vân, do dự khi lựa chọn thị trường chứng khoán.
Đây là chia sẻ của ông Lã Giang Trung, CEO của Passion Investment tại talkshow "The Investors". Theo lý giải của ông, so với năm 2020, thời điểm bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán với việc VN-Index chạm mốc 1.500 điểm, giai đoạn hiện tại dù có nhiều điểm tương đồng tuy nhiên cũng khá khác biệt.
Trước hết, giai đoạn 2020, Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và ngay cả trên thế giới cũng vậy, khiến dòng tiền khá thuận lợi gia nhập thị trường. Nhưng nhìn lại giai đoạn đầu năm nay có thể thấy, dù chính sách tiền tệ trong nước đã có xu hướng nới lỏng nhưng lại gặp khó do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ mức lãi suất cao, kiên định với đường lối thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên từ tháng 9 trở đi, chính sách tiền tệ đã có phần dễ hơn khi Fed cũng đi theo chiều hướng này. Dù vậy, chứng khoán vẫn gặp khó.
"Điểm thuận lợi là tỷ giá giảm nhanh, tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta chưa quá mạnh. Ví dụ như Trung Quốc dù liên tục nới lỏng tiền tệ nhưng chứng khoán và bất động sản không tăng mạnh được. Quan trọng là mức hấp thụ mỗi nền kinh tế và vòng quay tiền có ra được nền kinh tế đó hay không?", ông chia sẻ.
Hiện tại mức định giá thị trường không thấp như giai đoạn 2020, vì vậy chứng khoán không thể lên mạnh mẽ như trước đây và kể cả khi chính ta có chính sách tiền tệ nới lỏng thì dòng tiền rất phân vân lựa chọn có vào thị trường chứng khoán hay không?
Tính trung bình 5 phiên gần đây, thanh khoản trên HoSE chỉ đạt trung bình 15 ngàn tỷ đồng mỗi phiên, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Ngoài ra, thanh khoản cũng thể hiện rõ sự bấp bênh, trồi sụt, thiếu tính ổn định.
Theo chuyên gia của Passion Investment, đầu tư chứng khoán ở giai đoạn này tương đối khó, khi thị trường đang ở trạng thái phân cực rõ nét về định giá. Cụ thể, nhóm định giá thấp lại thuộc về hai nhóm cổ phiếu quan trọng là bất động sản và ngân hàng. Các nhóm còn lại đang được định giá cao. Nhiều cổ phiếu "hot trend" lại đang vượt định giá nhiều.
"Nếu nhà đầu tư nhìn ở yếu tố định giá rẻ để đầu tư là chưa đúng ở thực tế hiện tại. Nhưng nếu đổ tiền vào nhóm định giá cao cũng không hợp lý. Quan điểm của tôi ở thời điểm này, nếu xác định đầu tư an toàn thì việc chọn nhóm định giá thấp nên cần ưu tiên hơn", ông Trung cho biết.
Bí quyết với nhà đầu tư tay ngang
Thị trường chứng khoán có đặc điểm dễ biến động, có giai đoạn tăng mạnh nhưng cũng có giai đoạn giảm sâu. Theo ông Lã Giang Trung, quan sát của ông cho thấy, cứ khoảng hai, ba năm sẽ có một đợt sụt giảm. Do đó, nếu nhà đầu tư không quản trị tốt, tài khoản có thể giảm một nửa.
Với những nhà đầu tư tay ngang thì quan trọng nhất là lựa chọn triết lý đầu tư với mình. Phương pháp đầu tư dễ nhất là lựa chọn những công ty tốt, có định giá phù hợp. Hai yếu tố: cổ tức trên giá (Even Yield) và lợi nhuận trên giá (Earnings Yield), cần được mang ra so sánh lãi suất tiền gửi.
"Nhiều cổ phiếu đạt cổ tức trên giá có lúc tới 10% nhưng không được nhiều người mua vì giá cổ phiếu không lên nhiều. Trong trường hợp này nhà đầu tư không chuyên lại nên mua để nhận lãi suất, chờ tăng giá bán. Theo đó, cộng lại thì tỷ suất lợi nhuận bình quân vẫn tốt, có thể đạt 15% lợi nhuận và lại nhàn", chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo ông, việc đầu tư có thời điểm đúng có thời điểm sai. Tuy nhiên nếu sai sẽ dễ tác động tâm lý nhà đầu tư còn nếu đúng lại dễ khiến họ chủ quan.
"Kiểm soát trạng thái tâm lý là quan trọng. Sai sẽ làm chúng ta đau đớn. Nhưng khi kiếm được tiền chỉ là một phần cuộc chơi chứ không phải suất sắc. Do đó nhà đầu tư phải cân bằng tâm lý", ông nhấn mạnh.