Chương trình hành động của Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thùy Thuận.

(DNTO) - Bà Nguyễn Thị Thùy Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại HT Safbel, Ủy viên ban thường vụ Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP. Đà Nẵng được Hiệp hội Nữ Doanh nhân Đà Nẵng giới thiệu tham gia Ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 -2026.
Doanh Nhân Trẻ xin đăng tải Chương trình hành động của Bà Nguyễn Thị Thùy Thuận:

Tiểu sử tóm tắt của bà Nguyễn Thị Thùy Thuận.
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng – Hiệp hội Nữ Doanh nhân Đà Nẵng lựa chọn, giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 -2026 là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trước cử tri của tôi.
Với nhận thức, ĐBQH là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân để thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH tôi sẽ có kế hoạch thu xếp công việc doanh nghiệp mình, công việc gia đình để làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
Năm 2020, nền kinh tế các nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng Việt Nam cũng đã thể hiện sức chống dịch đáng kể và tác động của dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác, nhờ có các biện pháp ứng phó chủ động ở cả cấp Trung Uơng và địa phương cũng như những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân ứng phó với đại dịch. Như tất yếu, Đà Nẵng - một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Việt Nam trong 10 năm qua, với động lực chính là du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19. Qua đại dịch này, cho thấy sự tổn thương sâu sắc và hệ lụy to lớn khi ngành kinh tế của thành phố Đà Nẵng bị tăng trưởng âm, hàng trăm nghìn người lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… kéo theo các lĩnh vực khác cũng bị ngưng trệ.
Qua một năm đầy khó khăn và thử thách, tôi cũng thấy được những vấn đề lớn được cử tri cả nước và thành phố Đà Nẵng quan tâm:
- Tình trạng giải quyết việc làm cho người lao động thiếu việc làm và người lao động mất việc làm do đại dịch Covid-19, đặc biệt là lao động nữ khi cơ hội công ăn việc làm cho phụ nữ còn nhiều hạn chế.
- Cần sự hỗ trợ, đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng lao động phù hợp với xu thế mới của xã hội, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0
- Sự quan tâm của nhân dân, doanh nghiệp đối với phương hướng phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, đăc biệt là “mục tiêu kép” của Nhà nước trong việc vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
- Việc phòng chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được kết quả ban đầu, cần tiếp tục phát huy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chấn chỉnh các sơ hở của pháp luật đã tạo điều kiện cho việc trục lợi cá nhân, sự lũng đoạn của lợi ích nhóm
- Những vấn đề khác được cử tri đặc biệt quan tâm như: An toàn thực phẩm, giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, các chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo quản thực phẩm, chất tăng trưởng cây trồng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việt Nam cũng là một trong mười quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, rác thải sinh hoạt... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân.
Những bức xúc của người dân chỉ có thể được giải quyết bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền nhà nước trung ương và địa phương và sự đồng thuận của toàn xã hội. Nếu được cử tri tín nhiệm, bản thân tôi sẽ tham gia đóng góp tại diễn đàn quốc hội và các hoạt động liên quan theo các định hướng như sau:
- Trước hết, với tư cách đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tôi rất quan tâm đến các giải pháp khắc phục phát triển du lịch thời hậu Covid-19. Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn Việt Nam nhờ những đóng góp to lớn về kinh tế - xã hội, không những đem đến nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, kéo theo sự phát triển đồng bộ của các ngành dịch vụ mà còn là phương tiện thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa với thế giới, tạo ra những giá trị vô hình nhưng bền chặt. Bên cạnh những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra thì đây chính là cơ hội để cho ngành du lịch cùng nhìn lại và xây dựng một chiến lược du lịch thực tế và bền vững hơn.
Sau đại dịch, bản thân doanh nghiệp tôi cũng đã ý thức sâu sắc về việc cần phải chuyển đổi để phát triển phù hợp với xu thế mới. Do vậy, các giải pháp cấp thiết cần phải điều chỉnh để ngành du lịch không còn bị động, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai như:
+ Ứng dụng công nghệ như là một giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch hiệu quả
+ Các doanh nghiệp, cộng đồng du lịch cần đổi mới tư duy và hành động cho việc tiếp cận các sản phẩm công nghệ 4.0
+ Thúc đẩy du lịch xanh phát triển theo hướng bền vững.
Vì sau đại dịch này sẽ không nói trước được về những rủi ro tiếp theo có thể xảy ra, do đó, du lịch bền vững sẽ là động lực cho ngành đồng thời phù hợp xu thế phát triển của du lịch thế giới.
- Hai là: Chuyển đổi số đã làm cho trật tự xã hội thay đổi, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là vấn đề trung tâm, thách thức to lớn đối với Việt Nam hiện nay.
Do đó, nếu có cơ hội, tôi sẽ đề xuất và thảo luận với quốc hội các giải pháp: đổi mới định hướng, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp, tăng cường đào tạo nghề theo tiêu chuẩn 4.0 nhằm cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chiến lược đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể tại các trường dạy nghề, các trường đại học cần phải thay đổi, phát triển các chương trình đào tạo ngành nghề mới phù hợp với xu thế nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường lao động trong tương lai.
- Ba là, là ứng cử viên nữ, tôi rất quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em như: Sức khỏe và sinh sản; đào tạo và học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; lao động, việc làm; thu nhập, cuộc sống, hạnh phúc gia đình; các vấn đề liên quan thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Tôi sẽ cố gắng tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp “Vì sự tiến bộ phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới”. Chúng ta cần phải làm cho vai trò của phụ nữ ngày càng được phát huy trong xã hội, có được nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong lao động và học tập, mưu cầu hạnh phúc gia đình.
- Kế đến, là doanh nghiệp nữ, tôi rất quan tâm đến đề án hỗ trợ “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN Việt Nam phát động. Các doanh nghiệp và hộ gia đình do phụ nữ quản lý đã góp phần tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập đáng kể cho đất nước, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước và trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý hỗ trợ cho phụ nữ cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều bất cập. Do vậy, tôi rất mong có cơ hội được đề xuất với nhà nước các giải pháp để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như: phối hợp với hội LHPN mở các hội thảo định hướng và khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp phù hợp với trình độ. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của các Hiệp hội Doanh Nghiệp toàn quốc kêu gọi chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn cho các dự án có ý tưởng tốt và khả thi,…
- Tôi cũng sẽ tích cực nghiên cứu, tìm hiểu tình hình trong nước và thế giới, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của ĐBQH. Tiếp tục học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và kiến thức chuyên môn nhằm thực hiện nhiệm vụ đại biểu nhân dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH.
- Có ý thức trách nhiệm tiếp công dân, khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ kiến nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân theo quy định của pháp luật, đôn đốc theo dõi việc giải quyết và yêu cầu người có thẩm quyền thông báo cho mình biết kết quả.
- Giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với cử tri bằng nhiều hình thức, nhằm lắng nghe, thu thập ý kiến của cư tri, phân tích thông tin và phản ánh trung thực, kịp thời đến Quốc hội, cơ quan, tổ chức và người có thầm quyền xem xét, giải quyết, giúp cho việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật được sát, đúng với tình hình, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tế.