‘Chữa lành’ có lành không?

(DNTO) - Gần đây trên các trang mạng xã hội nở rộ thuật ngữ “chữa lành”. Khái niệm "chữa lành" được phổ biến bằng đủ loại hình thức với nhiều dịch vụ khai thác đánh vào mối quan tâm hàng đầu của người dân hiện nay là sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, nhiều người do tin tưởng và không tìm hiểu kỹ đã phải tiền mất tật mang cho những dịch vụ “chữa lành” trên mạng.
“Chữa lành”
Thuật ngữ trị liệu chữa lành (wounded heale) được cho rằng do nhà tâm thần học và phân tâm học Carl Jung khai sinh ra vào năm 1951 - xuất hiện nhiều trong các văn bản về phân tâm học và tham vấn, trị liệu tâm lý.
Hiểu nôm na “chữa lành” là việc một ai đó dùng những trải nghiệm cá nhân trong quá trình kinh qua những tổn thương tâm lý hay những nỗi đau của mình để làm công cụ và niềm tin “chữa trị” cho những bệnh nhân có nỗi đau tương tự.

“Bác sĩ giả danh" Phạm Văn Chơn, chia sẻ cách chữa khỏi bệnh bằng ăn thực dưỡng. Ảnh: Internet
Trong thực tế, vì “có bệnh phải vái tứ phương” nên nhiều người đã sập bẫy chiêu trò “chữa lành” trá hình của các cá nhân và hội nhóm trên mạng xã hội.
Từ chữa lành cơ thể…
Mới đây, ngày 14/11 tại TP.HCM, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp các đơn vị kiểm tra đột xuất căn nhà của (phường 9, quận Phú Nhuận). Đây là nơi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Thọ và vợ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Thọ không trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Việc kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của ông Thọ xuất phát từ việc thời gian gần đây, trên không gian mạng xã hội xuất hiện người đàn ông tự xưng là GS-BS tên Hà Duy Thọ là "chuyên gia dinh dưỡng và thực dưỡng, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.
Trên TikTok và Facebook cá nhân của ông thường xuyên đăng tải các clip được cho rằng thiếu căn cứ khoa học về phương pháp ăn uống, dinh dưỡng, chữa trị ung thư giai đoạn cuối… nhằm mục đích chữa bệnh và quảng cáo bán sản phẩm thực phẩm chức năng.
Cũng thu hút hàng ngàn lượt xem của người dùng trên mạng xã hội là đoạn clip của “Bác sĩ” quân y Phạm Văn Chơn, tự xưng là công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với nội dung khẳng định chỉ cần áp dụng liệu pháp "chữa lành tự nhiên" là chữa được tất cả các bệnh, mục đích cuối cùng là bán thuốc và thực phẩm chức năng. Rất tiếc, tối 17/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định, Phạm Văn Chơn không phải là người công tác tại đơn vị này.
Ngoài “chữa bệnh tự lành”, trên các trang mạng xã hội còn tập trung vào các video tư vấn và hướng dẫn chế độ “ăn tự chữa lành” “Ăn tự chữa lành” chủ yếu là chuyển từ ăn đạm động vật sang ăn thô, được cho rằng có thể chữa trị mọi bệnh tật, thậm chí cả ung thư.
Đặc biệt có một tài khoản còn chia sẻ đã tiêu khối nhân xơ ở ngực nhờ áp dụng phương pháp "ăn tự chữa lành" trong 2 năm, cùng việc liên tiếp uống 20 quả chanh trước khi ăn sáng trong 2 tháng liền.

“Ăn tự chữa lành” chủ yếu là chuyển từ ăn đạm động vật sang ăn thô. Ảnh: Internet
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia): "Chế độ ăn "chữa lành" bệnh này, bệnh kia là mọi người trên mạng đang tự chia sẻ với nhau, không có một thông số để kiểm chứng".
…đến “chữa lành” tâm hồn.
Rõ nét nhất là các khóa học chữa lành nở rộ như nấm sau mưa trong thời gian gần đây. Sau những mất mát đau thương ập đến do Covid-19 mang lại, cùng nhiều biến động về đời sống kinh tế tiếp theo đó, các lớp học “chữa lành” tỏ ra “đánh” đúng nhu cầu được xoa dịu cảm giác bất an, cảm giác bị tổn thương, suy nghĩ tiêu cực, tìm về trạng thái an yên… của đông đảo người dân nhất là các bạn trẻ.
Chúng ta rất dễ nhận thấy những những khóa học có cái tên rất “kêu”: Chữa lành tâm hồn, chữa lành tổn thương, chữa lành ung thư, chữa lành bằng năng lượng, chữa lành bằng thôi miên tiền kiếp…
Đặc biệt là chữa lành tự kỷ. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả sách “Đánh thức ban mai”, một người mẹ có con tự kỷ, cho rằng: “Không một chuyên gia nào trong lĩnh vực này hay trung tâm can thiệp nào liên quan đến hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ có khả năng “điều trị” khỏi cho con. Mọi lời quảng cáo “chữa lành” là lừa đảo, thậm chí là tội ác!”.
Cùng với những lớp học “chữa lành” thu hút nhiều người tham gia, còn có hàng ngàn hội nhóm hoạt động sôi nổi bởi các “huấn luyện viên”, “chuyên gia tâm lý”, “nhà tư vấn chữa lành”, “giáo viên tâm linh”… như nhóm: “Tự chữa lành”, “Chữa lành để thành công và hạnh phúc”, “Chữa lành tự nhiên”, “Viết để chữa lành”… Mỗi nhóm thu hút từ vài ngàn đến vài chục ngàn tài khoản mạng xã hội tham gia với nhiều bài viết.
Ngoài ra, người ta còn tìm đến chữa lành thông qua nhiều hình thức: về với thiên nhiên, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, tour du lịch, workshop, thiền định…
Trước một “mê hồn trận” về chữa lành đang thiên về sự hô hào, hình thức, chạy theo trào lưu như thế, rất nhiều người dân tỏ ra rối rắm, lo lắng hoang mang, mất phương hướng, thậm chí có người phải tốn đến hàng chục triệu đồng mà “lành” đâu không thấy, có khi còn “rách” thêm.

Từ chữa lành cơ thể đến chữa lành tâm hồn. Ảnh: Internet
Không thể phủ nhận, thực tiễn ở các nước trên thế giới, “trị liệu chữa lành” đã phần nào cho thấy giá trị tích cực của nó. Tuy nhiên, vấn đề của "thị trường chữa lành" ở Việt Nam đang diễn ra như một trào lưu bị lạm dụng, thương mại hóa quá mức. “Chữa lành” bị biến tướng nhằm phục vụ cho mục đích trục lợi, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý người dân.
Mọi người cần nên tìm hiểu rõ về “chữa lành” để không bị lừa gạt tiền mất tật mang như đã xảy ra trong thực tế.