Chính sách 'zero-Covid' của Trung Quốc gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu
(DNTO) - Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị kéo dài thêm một phần lớn là do chính sách "zero-Covid" được thực hiện nghiêm ngặt tại Trung Quốc, theo chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics.
Sự thắt cổ chai chuỗi cung ứng toàn cầu đã kéo dài 1 năm qua, và sẽ “giảm nhiệt trong những tháng đầu của năm 2022 này”, theo Katrina Ell, nhà kinh tế thuộc Moody’s Analytics khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy sức ép dần đi xuống đối với giá đầu vào, giá sản xuất. Tuy nhiên với chính sách "zero-Covid" và xu hướng đóng các nhà máy và cảng biển quan trọng, điều này sẽ làm tăng sự đứt gãy”, Katrina Ell cho biết thêm.
Bắc Kinh đã áp đặt chính sách "zero-Covid" nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch bùng phát từ đầu năm 2020. Quốc gia này thiết kế chính sách phong tỏa và hạn chế đi lại bất kể các ca nhiễm xảy ra ở trong thành phố hoặc tỉnh nào.
Chính sách zero-Covid “thật sự đã làm tăng rủi ro cho sự cải thiện chuỗi cung ứng hàng hóa”.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm ngoái đã đóng cửa một cảng rất quan trọng là Ningbo-Zhoushan. Đây là cảng bận rộn thứ ba thế giới. Quyết định này được đưa ra sau khi một công nhân được phát hiện dương tính với Covid-19.
Hôm thứ Ba tuần trước (11/1), Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống còn 4,3%, thay vì 4,8% trước đó. Lý do của việc hạ dự báo dựa trên khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng thêm hạn chế các hoạt động thương mại để đối phó với chủng Omicron mới xuất hiện.