CEO Vntrip Lê Đắc Lâm: Công nghệ biến thiệt thòi thành lợi thế
(DNTO) - Ra đời vào năm 2014, Vntrip tập trung vào mảng du lịch nội địa, sau đó mở rộng thêm các dịch vụ như du lịch nước ngoài, đặt phòng, vé trực tuyến sau khi mua lại Atadi.vn, Website cho phép người dùng tìm kiếm và đặt vé máy bay giá rẻ.
Từ số vốn khởi nghiệp 10 tỷ đồng, sau đó lên 16 tỷ đồng và một văn phòng nhỏ mượn của bố trong khuôn viên Trường đại học Đại Nam, đến năm 2018, giá trị tài sản của Vntrip mà Lê Đắc Lâm là CEO đã nâng lên 1.000 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt 2.700 tỷ đồng, văn phòng 400m2 và hàng trăm nhân viên.
Là con nhà nòi kinh doanh, có gia đình làm điểm tựa vững chắc nhưng Lê Đắc Lâm luôn khát khao bứt phá khỏi cái bóng của gia đình để “vừa được làm những điều mình thích, vừa áp dụng phong cách quản lý riêng”.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính tại Mỹ, Lê Đắc Lâm đầu quân về các quỹ đầu tư như Indochina Lands, VPREIT. Kinh nghiệm trong khoảng thời gian này giúp Lâm rất nhiều khi anh trở thành người đi gọi vốn cho công ty, dù như anh kể, cũng lắm gian nan: “Có lần đi gọi vốn tôi chỉ cần một cuộc gặp là xong. Nhưng cũng có những lần từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối, cứ mỗi 45 phút lại gặp một nhà đầu tư, mà hàng chục nhà đầu tư không một ai đồng ý cả…”.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Lâm nhớ lại: “Khi tôi còn làm cho quỹ đầu tư, công ty lúc đó đang sở hữu rất nhiều khách sạn cao cấp ở Việt Nam. Nhân viên thường xuyên được bạn bè nhờ đặt phòng nên ban giám đốc ra chính sách nếu ai đặt được phòng nhiều nhất sẽ được thưởng vé bay khứ hồi và ở khách sạn miễn phí tại bất kể resort nào trong hệ thống. Tôi cũng tham gia để nhận thưởng, và dần nhận thấy thị trường Việt Nam chưa có công ty nào thực sự tốt trong mảng đặt phòng khách sạn trực tuyến, dù nhu cầu của khách hàng là rất lớn”. Anh bắt tay làm Vntrip từ chính lời rủ rê của Huy Nhật, một người bạn và là đồng sáng lập Vntrip sau này.
“Áp lực và nỗi sợ thất bại là động lực lớn nhất giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”, anh Lâm nhấn mạnh. Chính mô hình kinh doanh mới mẻ, tầm nhìn xa trông rộng trong việc đầu tư vào công nghệ đã giúp Vntrip liên tục gọi được 20 triệu USD trong bốn năm đầu khởi nghiệp. Mua lại được Atadi.vn là bước ngoặt quan trọng khác của Vntrip. Mặc dù vậy, anh Lâm xem đó là một may mắn. “Không chỉ dừng lại vấn đề tài chính và doanh thu, cái bắt tay của VnTrip và Atadi còn giúp công ty có thêm được người tài”.
Tuy nhiên, du lịch là thị trường béo bở mà bất kỳ doanh nghiệp nào có khả năng cũng muốn nhảy vào. Vntrip dù được đầu tư kỹ lưỡng cũng gặp không ít cạnh tranh từ các đối thủ. Thách thức lúc này của Vntrip là giá trị của sự khác biệt Vntrip tạo ra ngày càng nhỏ trong khi chi phí tạo dựng và duy trì giá trị ngày càng cao. Đó cũng là thời điểm anh Lê Đắc Lâm và các cộng sự nhận ra nhiều vấn đề trong quản lý công tác và du lịch của các doanh nghiệp.
Tháng 10/2020, trong bối cảnh cả ngành du lịch lao đao vì Covid-19, Vntrip đã gọi vốn thành công 7 triệu USD. Cuối tháng 12, công ty này ra mắt TMS - Travel Management Solution - nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp quản lý tối ưu chi phí công tác du lịch. Cụ thể, nền tảng này sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề liên quan như: không còn lo ngại nguy cơ mất hóa đơn thanh toán khi đi công tác, loại bỏ thủ tục hạch toán chi phí thủ công khiến việc thanh toán, hoàn trả tiền đi công tác gặp nhiều khó khăn; minh bạch các chi phí phát sinh trong quá trình công tác; phân tích được tần suất và tối ưu việc phân bổ chi phí công tác v.v…
Đây được xem là hai bước tiến quan trọng của Vntrip trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cho thấy sự nhanh nhạy trong công tác chuyển đổi số, ứng biến trước hoàn cảnh kinh doanh.
Sản phẩm tốt, giá phải chăng, nhu cầu không là vấn đề!
Trong bối cảnh các hoạt động du lịch chịu tác động lớn vì Covid-19, bí quyết của Vntrip là gì để huy động 7 triệu USD vốn từ nhà đầu tư?
Lê Đắc Lâm: Theo dự báo từ Google & Temasek năm 2019, thị trường du lịch trên nền tảng trực tuyến có thể đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Dù 2020 là một năm khó khăn nhưng Việt Nam lại là một điểm sáng của thế giới trong phòng chống dịch. Thế giới cũng có nhiều tiến triển trong việc sản xuất vaccine. Điều đó góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng của Việt Nam và việc phục hồi chỉ là sớm hay muộn.
Khía cạnh thứ hai, nhu cầu du lịch nội địa hiện đang rất lớn và liên tục tăng trưởng, điển hình là giai đoạn tháng 7/2020 khi dịch được kiểm soát. Mặt khác, đầu năm 2020 khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, Vntrip đã nhận định được khó khăn và có những thay đổi chiến lược kịp thời, nhanh chóng tối ưu chi phí và tập trung nguồn lực cho những dự án quan trọng như mảng khách hàng doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư có niềm tin về khả năng ứng biến, vượt qua thách thức của tập thể Vntrip.
Chuyển đổi số là cụm từ chìa khóa của năm 2020. Tuy nhiên, từ lý thuyết, mong muốn cho đến hiện thực hóa là khoảng cách khá xa và không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng hiệu quả. Anh đã có quá trình chuẩn bị thế nào để áp dụng TMS cho Vntrip?
Nhiều năm qua trong cộng đồng các doanh nghiệp thịnh hành cụm từ bốn chấm không. Xu hướng 4.0, Cải cách 4.0... Và giờ, năm 2020, là chuyển đổi số. Đúng như bạn nói, đưa ra khái niệm chuyển đối số trong quản lý doanh nghiệp, nhân sự... thì nói luôn dễ hơn làm. Thực tế, có rất ít các doanh nghiệp có thể đưa ra giải pháp chuyển đổi số hoàn thiện, hiệu quả.
Vntrip mất gần hai năm để nghiên cứu thị trường và chuẩn bị để có thể cho ra đời sản phẩm TMS phù hợp với các doanh nghiệp trong nước, bắt đầu từ việc tìm ra các vấn đề trong quản lý công tác và du lịch của ba nhóm đối tượng chính là: người lãnh đạo - người quản lý và nhân viên. Sau khi thấu hiểu được những “nỗi đau” của từng nhóm đối tượng, chúng tôi tiến hành xây dựng các giải pháp và áp dụng công nghệ để đơn giản và chuyên nghiệp hóa các thao tác.
Khi ra mắt sản phẩm mới, đa phần các doanh nghiệp sẽ lo ngại vấn đề về nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, với TMS, chúng tôi tin những CEO thực sự sát sao với việc quản lý chi phí doanh nghiệp chắc chắn sẽ chọn giải pháp công nghệ quản lý công tác của Vntrip, như Elon Musk từng nói: “Nếu bạn có một sản phẩm hấp dẫn và giá cả phải chăng thì nhu cầu sẽ không bao giờ là vấn đề!”.
Trước và sau khi có TMS, hoạt động của Vntrip có những chuyển biến cụ thể nào?
Trước khi có TMS, chúng tôi đã xây dựng được một cộng đồng du lịch lớn và trở thành OTA uy tín được các khách hàng nội địa và quốc tế lựa chọn khi du lịch Việt Nam. Sau khi ra mắt TMS, Vntrip đã có những thay đổi về cách tiếp cận và phân bổ nguồn lực. Chúng tôi định hướng Vntrip không đơn thuần là một OTA, công ty du lịch truyền thống mà còn là công ty công nghệ cung cấp giải pháp dành cho người đi du lịch và quản lý công tác cho doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đang cố gắng mở rộng mạng lưới và tiếp cận được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hơn.
Công nghệ là lá bài chiến lược biến thiệt thòi thành lợi thế
Vậy để chuyển đổi số thành công, người đứng đầu doanh nghiệp cần nắm giữ những nguyên tắc nào?
Tư duy cầu tiến và biết nắm bắt những xu hướng công nghệ mới nhất, đặc biệt, dám chấp nhận thay đổi! Khi triển khai hệ thống quản lý công tác, chính Vntrip cũng gặp rất nhiều khó khăn từ cấp dưới, những người trực tiếp sử dụng hệ thống bởi họ ngại thay đổi, lo sợ việc số hóa dẫn đến vai trò cũng như quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Người lãnh đạo không những phải hiểu những khác biệt và lợi thế mà công nghệ có thể đem lại mà còn phải sâu sát tới các cấp nhân viên để tháo gỡ những vướng mắc có thể gặp phải trong quá trình sử dụng và vận hành, đặc biệt, trong thời đại ngày nay, khác biệt về công nghệ là điểm mấu chốt khiến một doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại hay bị đào thải.
Tôi tin rằng công nghệ sẽ là lá bài chiến lược để biến thiệt thòi thành lợi thế và đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Lộ trình ngắn hạn và dài hạn của Vntrip thời gian tới là gì, thưa anh?
Trong ngắn hạn, với mảng khách hàng B2C, Vntrip sẽ tiếp tục chú trọng vào việc đảm bảo du lịch an toàn và cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhất là trong việc hỗ trợ hoàn hủy, bảo lưu... do các vấn đề liên quan đến dịch. Với mảng doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục nâng cấp sản phẩm TMS để có thể hoàn thiện tất cả các chức năng, đảm bảo phục vụ tốt nhất yêu cầu của các khách hàng doanh nghiệp.
Về kế hoạch dài hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm mới thu hút được nhiều khách hàng tham gia hơn và tăng trưởng du lịch nội địa, một trong số đó là Combo du l ị c h đồng giá. Mục tiêu của chúng tôi là được phục vụ 30 - 40% Top 1.000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tôi có nghe về ấp ủ IPO của Vntrip trong năm 2021?
Chúng tôi cũng có suy nghĩ về phương án IPO và cân nhắc tất cả các vấn đề liên quan. Thực tế thì đó cũng là đích đến của các công ty công nghệ. Tuy nhiên chúng tôi chưa thể khẳng định được thời điểm IPO chính xác vào lúc này. Thay vào đó, Vntrip muốn tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển các tính năng, hoàn thiện hệ thống cũng như tối ưu vận hành để tiếp tục mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt là chuẩn bị tốt nhất để đón đầu và phục vụ nhu cầu du lịch, công tác tăng trở lại sau dịch Covid.