Cần thành lập 'Tổ công tác vaccine’ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng Covid-19

(DNTO) - Đây là đề xuất của ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội. Theo đó, Tổ công tác “vaccine doanh nghiệp” sẽ tìm kiếm 2 loại vaccine chính, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội. Ảnh: PV.
Ông Mạc Quốc Anh, cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo đăng ký có 315.248 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là DNNVV chiếm 97%.
Đến đầu năm 2021, trong 6 tháng có 13.125 doanh nghiệp được đăng ký mới với số vốn là 165.000 tỷ đồng, tăng 4 % về số lượng doanh nghiệp, nhưng lại giảm 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, thủ tục giải thể của các doanh nghiệp là 1.582 doanh nghiệp và tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt có hơn 7.200 doanh nghiệp đang đăng ký tạm dừng hoạt động và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.600 doanh nghiệp, tăng 74% so với cùng kỳ...
Theo ông Quốc Anh, do tình hình Covid-19, các doanh nghiệp ở Hà Nội nói riêng đã khó khăn rất nhiều. Theo khảo sát của Hiệp hội đối với 1.500 doanh nghiệp thành viên, hiện nay có 57% các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, 38% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, còn các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể thì có 2,6%, chỉ có 1,4% các doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt.
“Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 ban hành ngày 1/7 về một số chính sách cho người lao động, đây là đòn bẩy để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, chúng tôi mong gói hỗ trợ này của Chính phủ, ngoài thủ tục điều kiện được cắt giảm, thì cần triển khai cụ thể, nhưng phải nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Vì ở lần hỗ trợ trước, phải mất tới 3-5 tháng các doanh nghiệp mới nhận được hỗ trợ. Để thụ hưởng sự hỗ trợ này phải mất rất nhiều thời gian, chi phí. Do đó, điều mà doanh nghiệp, người dân cần lúc này là phải đẩy nhanh, triển khai sớm”, ông Quốc Anh thẳng thắn bày tỏ.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng trong đại dịch Covid-19. Ảnh: T.L
Theo đó, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã đưa ra 9 đề xuất nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Thứ nhất, Chính phủ mặc dù có Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức đam làm Trưởng ban, nhưng hiện nay, Trung ương chưa có Ban chỉ đạo về giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nền kinh tế.
"Vì vậy, chúng tôi mong muốn với cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, thành nên có giải pháp là thành lập Tổ công tác vaccine doanh nghiệp. Trong đó, vaccine thứ nhất là có nguồn lực nhanh nhất, sớm nhất, chính xác nhất tìm vaccine cho người lao động, cho lãnh đạo của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp tập trung người lao động. Vaccine thứ hai là về cơ chế chính sách, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn đang làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", ông Mạc Quốc Anh nói.
Thứ hai, thành phố và các tỉnh thành tiếp tục theo chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức trực tuyến đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hàng quý, hàng tháng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện nay, các tỉnh thành khác cũng tổ chức “Cà phê doanh nhân”, hội nghị đầu tư, hợp tác phát triển…, nhưng vẫn chưa hiệu quả một cách thiết thực. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn qua sự chỉ đạo đồng hành của VCCI, tiếp tục các chương trình đối thoại.
Thứ ba, với tình hình “bi đát” của doanh nghiệp hiện nay, cần có chính sách giảm thuế đất hằng năm phải nộp cho năm 2021 để bù đắp cho doanh nghiệp. Vì khi dịch bệnh khó khăn, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngưng, không có hoạt động gì nhưng vẫn bị thu thuế. Như thế, khó khăn chồng chất khó khăn đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, chúng ta cần loại bỏ các thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp hiểu và làm ngay, vì mọi thủ tục bị kéo dài thời gian, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chỉ đạo rà soát khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trên cơ sở đó, các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc, trả lãi và cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có những hợp đồng tốt, lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi được đề xuất khoanh lại đến tháng 12/2022 mà không bị phạt và được loại khỏi nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Thứ sáu, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu giãn nợ, vay đối với khoản nợ phát sinh của 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến 31/12/2022, vì vấn đề này theo Thông tư số 01/2020 là quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước 31/12/2020.
Thứ bảy, đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% cho vay trực tiếp theo Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020. Hiện nay, Nghị quyết quy định các đối tượng được giảm quá nhỏ, trong khi có những ngành khác bị ảnh hưởng như du lịch, khách sạn, nhà hàng nhưng lại không ở trong nhóm này.
Thứ tám, là với việc mua sắm công, nguồn ngân sách nhà nước luôn là trọng yếu, nhưng trong đó, hiện nay còn rất hạn chế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và mong muốn việc này được công khai để mở rộng các đối tượng đủ năng lực tham gia.
“Việc thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp vẫn diễn ra. Việc này là cần thiết, nhưng tôi đề nghị trong thời điểm khó khăn như thế này, việc thanh tra cũng nên tạm hoãn lại để đến thời kỳ hết sức thích hợp. Vì doanh nghiệp cần tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, song hành với việc phòng chống dịch rất tốn kém chi phí, tuy nhiên vẫn phải tiếp các đoàn thanh tra, điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nêu giải pháp thứ chín.