Campuchia ngăn chặn nhập khẩu lợn và thịt lợn bất hợp pháp từ Việt Nam
(DNTO) - Ông Veng Sakhon - Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia kêu gọi các tỉnh của Campuchia giáp biên giới với Việt Nam ngăn chặn việc nhập khẩu lợn, các sản phẩm từ thịt lợn bất hợp pháp do lo ngại về bệnh dịch tả lợn châu Phi - thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia.
Theo thương vụ, lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Campuchia nhận báo cáo về dịch tả lợn châu Phi (AFS) xuất hiện ở một số tỉnh của Việt Nam và khi nhà chức trách của nước này bắt giữ một xe tải chở gần 100 con lợn nhập khẩu bất hợp pháp tại tỉnh Tbong Khmum.
Ngày 19/5, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đã gửi công văn cho Tỉnh trưởng tỉnh Prey Veng, văn bản nêu: Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện đang lan rộng khắp thế giới, sang các nước châu Á khác như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Bộ này cho biết, đợt bùng phát dịch đầu tiên tại Việt Nam lan rộng trên cả nước vào ngày 19/2/2019 và tiếp tục bùng phát hàng năm. Ngày 4/5/2021, dịch bệnh này lại bùng phát tại Việt Nam và có thể sẽ lây lan nhanh sang các tỉnh của Campuchia giáp biên giới với Việt Nam.
Để góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các nước láng giềng sang Campuchia; không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi lợn, đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn của đàn lợn, thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đề nghị chính quyền các tỉnh Campuchia có biên giới với Việt Nam giúp ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ quốc gia láng giềng vì có thể làm lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp, các tỉnh có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi cao gồm tỉnh Rattanakiri tiếp giáp với tỉnh Gia Lai; tỉnh Mondulkiri tiếp giáp tỉnh Đắk Nông; tỉnh Kratie tiếp giáp tỉnh Bình Phước; tỉnh Tbong Khmum và Svay Rieng tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh; tỉnh Svay Rieng tiếp giáp với tỉnh Long An; tỉnh Prey Veng tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp; tỉnh Takeo và Kandal tiếp giáp tỉnh An Giang; tỉnh Kampot tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.