Các CEO, hãy mạnh dạn đi… lang thang!
(DNTO) - Ngày cuối năm chộn rộn, Giáo sư Trương Nguyện Thành dành hơn nửa buổi để chia sẻ về những điều “khác người” ông đã làm và sẽ làm. Câu chuyện của ông thú vị đến mức, mọi thứ xung quanh bỗng trở nên mờ nhạt, kể cái nắng ngoài hiên cứ trôi trôi về phía cuối ngày...
Giáo sư Trương Nguyện Thành trở về nước khi Việt Nam đã có những ngày tạm bình yên trong đại dịch. Ông cho biết sẽ ở lại ăn Tết theo cách của riêng mình, đó là tận hưởng cái Tết với… chiếc xe đạp ở bất cứ nơi nào ông đi qua trên dải đất hình chữ S. Có nghĩa là ông sẽ có chuyến đạp xe xuyên Việt từ Bắc vào Nam. Tối, sẽ dừng lại ở nơi nào có wifi để tiếp tục việc dạy học cho sinh viên đại học bên Mỹ. Ngày, sẽ rong ruổi, luồn sâu qua những con đường nhỏ ở mỗi tỉnh trên đường đi. Hẳn nhiên là ông sẽ có một cái Tết Việt đúng nghĩa cùng khoảng thời gian tuyệt vời để ngắm nhìn, hít thở và nhấm nháp cuộc sống quê nhà, đón giờ khắc chuyển giao của đất trời ngay trên đất nước mình, điều mà đối với ông đã trở nên quá xa xôi sau rất nhiều năm.
Học là việc cả đời phải theo
Covid-19 khiến mọi thứ thay đổi, kể cả việc thực nghiệm ở trường đại học, nơi ông đang trực tiếp giảng dạy. Những giờ học bắt buộc thầy và trò phải có mặt tại phòng thí nghiệm đã chuyển thành buổi học online. Điều này quả là không tưởng với những thao tác mà lẽ ra sinh viên phải được nhìn, được sờ, được cảm giác. Những buổi học sẽ trở nên khó khăn muôn phần khi người thầy mất đi cảm giác đứng trên bục giảng với cả trăm con mắt đổ dồn và sinh viên sẽ mất đi áp lực tương tác nhóm.
“Để lôi kéo sự tập trung ngay từ đầu, tôi thường tán dóc một câu chuyện gì đó. Thay vì giảng bài như mọi lần, tôi dành một nửa thời gian để kể những câu chuyện không liên quan đến bài giảng. Nhưng qua những câu chuyện đó, kiến thức mà tôi gửi gắm chắc chắn sẽ bám sâu và lâu hơn”, GS Trương Nguyện Thành chia sẻ.
Mới đây, ông còn nghĩ ra “chiêu” dạy rất “độc”. Khi cả lớp cùng xuất hiện trên màn hình, ông kêu: “Bữa nay thầy làm biếng dạy quá, các em làm giáo viên thay tôi nhé”. Thế là các sinh viên được chia theo nhóm bất kỳ, không được phép lựa chọn để tạo sự bình đẳng khi có nhiều trình độ trong một nhóm. Theo chủ đề, sinh viên bắt buộc phải cùng thảo luận, tự tìm kiến thức trên mạng, sau đó thay nhau… làm giáo viên.
“Cách hoán đổi vị trí này khiến sinh viên của tôi khoái lắm. Các em hào hứng và tập trung hơn, có thêm động lực khi vào vai giáo viên, thêm được kỹ năng diễn thuyết và đặc biệt tạo cho các em được sống trong môi trường làm việc ở một công ty thực sự. Tức là cá nhân đó không được phép chọn đồng nghiệp, không được phép chọn sếp. Các em phải tìm cách thích nghi để tồn tại vì cái chung. Việc đưa mô hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp bên ngoài xã hội vào học đường sẽ giúp các em không bị sốc khi vào đời thực sự”.
Rất tâm đắc với công cụ trao đổi kiến thức mới này nhưng GS Trương Nguyện Thành cũng cho rằng, phương pháp này chắc chắc sẽ bị phản đối nếu áp dụng tại Việt Nam. Theo ông, dù đã là thầy cũng vẫn cần thay đổi và nên truyền cho học trò tư duy “Học là việc phải làm suốt đời”. Ông cho rằng nhiều học sinh, sinh viên còn chưa có khái niệm này. Là một giáo sư nhưng hiện nay, ông cũng đang tự học hai lớp về thần kinh học và tâm lý học. Điều đó giúp ông tự lý giải mọi hành xử để hiểu về mình và mọi người rõ nét hơn.
Các CEO muốn thành công hãy đi lang thang nhiều hơn
GS Trương Nguyện Thành cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng có cái “được” của nó. Nó giúp mỗi người có thêm thời gian cho bản thân để ép buộc mình phải sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên. Không có cơ hội nào tốt hơn cho các CEO như lúc này vì họ có thời gian tĩnh tâm, tìm hiểu lại sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, hiểu mình đang ở đâu để thay đổi cách chi tiêu, quản lý, định hướng cho tương lai gần, tương lai xa.
Đơn giản như thay đổi cách quản trị nhân sự. “Theo tôi, hiện có tới 90% doanh nghiệp quản lý con người theo cách quẹt vân tay hoặc phải nhìn thấy mặt nhân viên trong văn phòng mới yên tâm. Cách quản lý này cũ kỹ và rất... con nít. Để kích thích sự sáng tạo, phát huy tiềm năng của cá nhân thì cách quản lý họ theo thời gian và không gian trong bốn bức tường là một sự thất bại”, ông khẳng định.
Với các doanh nhân trẻ Việt Nam, ông nhìn thấy tố chất cộng hưởng giữa sự lanh lợi, thông minh, chịu khó và rất khéo xoay xở của họ trong xử lý tình huống để vượt khó nhưng theo ông, họ lại bỏ quên một điều rất quan trọng, đó là tìm ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp. Không tìm được điều đó, theo ông, sẽ không tạo ra được văn hóa doanh nghiệp và không tạo ra sự bền vững của hướng đi. “Giá trị cốt lõi của từng doanh nghiệp khác nhau nhưng lại là yếu tố rất cần thiết cho tất cả, bởi điều đó được hiểu như một cái thước cố định để đo sự quan trọng của công việc. Giá trị cốt lõi ấy là không thể đánh đổi, dù bằng bất cứ giá nào, nhất là với doanh nghiệp startup. Chẳng hạn như anh tìm được giá trị cốt lõi là chính trực thì không ai, không đồng tiền nào có thể mua được anh. Hay như ở Tập đoàn Samsung, giá trị cốt lõi quan trọng của họ chính là niềm tự hào dân tộc. Trong máu của ông chủ tập đoàn, ông muốn bằng mọi giá phải chiến thắng người Nhật, vì vậy giá trị ấy ảnh hưởng đến mọi quyết định của ông đối với tập đoàn. Và thực tế, Samsung đã đánh bại được Sony, bỏ qua cả LG”, GS Thành phân tích.
“Doanh nhân muốn tìm ra giá trị cốt lõi thì đừng bó buộc mình trong văn phòng. Theo tôi, những CEO hay founder thành công lớn là những người dám bỏ thời gian dài đi lang thang, đi bụi đời mới tìm ra được giá trị cốt lõi cần thiết. Hầu hết những khoảng thời gian tôi đi xe đạp hay đi leo núi đều nảy ra những ý tưởng mới. Có một lần chúng tôi tìm ra được ý tưởng khoa học là ở trong một quán bar rất ồn ào. Những cô gái sexy xinh đẹp rất ngạc nhiên vì tôi và anh nghiên cứu viên hậu tiến sĩ không để ý gì đến họ. Và kết quả là tên của giải pháp khoa học ấy chính là tên viết tắt của một cô vũ nữ ở quán bar đó mà chỉ có hai chúng tôi mới hiểu”, ông cho biết.
Cuối cùng, ông gửi gắm: “Các CEO hãy cứ mạnh dạn đi lang thang nhiều hơn, biết phân quyền trách nhiệm. Đừng ngạc nhiên, bởi giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp thường không tìm thấy trong văn phòng hay các buổi họp mà là chính trong tâm của người lãnh đạo. Nó thường dễ dàng được ngộ ra trước sự phóng khoáng của thiên nhiên và đất trời. Thành công và sự bền vững cũng sẽ khởi đầu từ đó!”.
Giáo sư Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota (Mỹ) năm 1985. Ông lấy bằng Tiến sĩ khoa học ngành Hóa tính toán do Đại học Minnesota (Mỹ) cấp năm 1990. Năm 1993, ông được vinh danh là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Năm 2002, ông được phong Giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.
Cuối năm 2016, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị Phó hiệu trưởng điều hành. Năm 2018, ông quay lại Mỹ. Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng kiêm Phó giám đốc Ban chiến lược phát triển Trường đại học Văn Lang, do Covid-19 nên ông từ chức vị trí này gần đây.
Giáo sư Trương Nguyện Thành từng gây gây xôn xao mạng xã hội khi mặc quần đùi, áo vest trong một giờ lên lớp. Ông lý giải, đó là thông điệp ông gửi gắm cho sinh viên của mình: “Muốn sáng tạo, phải vượt qua rào cản và những định kiến trong nhận thức”.