Biến thể Omicron Covid-19: Những điều cần biết cho đến nay
(DNTO) - Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu một 'biến thể đáng quan tâm' của Covid-19 có tên là Omicron, lần đầu tiên phát hiện từ miền nam châu Phi. Mối lo ngại Omicron có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm và hiệu quả ngăn ngừa của vaccine đối với chủng này.
Các nhà khoa học ở Nam Phi và khắp nơi trên thế giới đang nỗ lực hết sức để nghiên cứu thêm về một chủng virus Covid-19 mới được xác định. Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định biến thể B.1.1.529 là 'biến thể cần quan tâm' và đặt tên là Omicron.
Tại sao các nhà khoa học lại quan tâm đến Omicron?
Quyết định phân loại Omicron là một dạng biến thể cần quan tâm dựa trên bằng chứng về sự tiến hóa của virus. Bằng chứng này cho thấy biến thể mới có một số đột biến có thể ảnh hưởng đến mức độ lây lan dễ dàng, sự nghiêm trọng của bệnh mà nó có thể gây ra và quan trọng là hiệu quả của vaccine Covid-19 hiện có. Đó là những gì được biết về biến chủng Omicron cho đến nay.
Biến thể Omicron có dễ lây truyền không?
WHO cho biết vẫn chưa có thông tin rõ ràng rằng biến thể Omicron có lây từ người sang người dễ dàng hơn các biến thể khác hay không, bao gồm cả Delta. Số người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã tăng lên ở khu vực Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được xác định. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để xác định xem điều này là do Omicron hay do các yếu tố khác.
Biến thể Omicron có làm bệnh nặng thêm không?
Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy tỷ lệ nhập viện đang tăng ở những bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc nhiễm Omicron với việc gia tăng ca điều trị trong bệnh viện. WHO cho biết sự gia tăng số ca nhập viện có thể là do sự gia tăng chung về tỷ lệ lây nhiễm. Đáng chú ý, nhiều trường hợp Omicron ban đầu được báo cáo ở Nam Phi là ở học sinh. Với các biến thể Covid-19 khác, những người trẻ tuổi thường có các triệu chứng nhẹ hơn. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy các triệu chứng Omicron là khác nhau, nhưng có khả năng sẽ mất vài tuần để xác định xem Omicron có gây ra bệnh nặng hơn trong cộng đồng hay không.
Liệu vaccine ngừa Covid-19 hiện có và các phương pháp điều trị khác có hiệu quả đối với biến thể Omicron?
WHO cho biết họ đang làm việc với các đối tác để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với hiệu quả của vaccine và các biện pháp đối phó khác với Covid-19. Theo WHO khuyến cáo, corticosteroid và IL6 sẽ vẫn có hiệu quả đối với bệnh nặng. Khi nghiên cứu tiếp tục, WHO đang nhắc nhở mọi người rằng vắc-xin vẫn có hiệu quả chống lại các biến thể Covid-19 khác - bao gồm cả chủng Delta - cũng là cách tốt nhất để tránh bệnh nặng và tử vong.
Biến thể Omicron có làm tăng nguy cơ tái nhiễm không?
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể mới có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm đối với những người đã nhiễm Covid-19, theo WHO. Tuy nhiên, dữ liệu hiện còn hạn chế và sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới. Về xét nghiệm nhiễm bệnh, các xét nghiệm PCR hiện có có hiệu quả trong việc phát hiện biến thể Omicron.
Mọi người có thể làm gì để bảo vệ mình?
WHO đang nhắc nhở mọi người rằng cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 là giữ khoảng cách về mặt xã hội, cách xa những người khác ít nhất 1m; đeo khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt; mở cửa sổ để cải thiện thông gió; tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc; giữ hai tay sạch sẽ; che khi ho hoặc hắt hơi; và tiêm phòng đủ và đúng thời hạn.
Các chính phủ phản ứng mạnh mẽ khi biến thể Omicron được phát hiện như thế nào?
Trong những ngày kể từ khi các nhà khoa học ở Nam Phi xác định được biến thể Omicron, một số trường hợp đã được báo cáo ở một số quốc gia trên thế giới.
Một vụ bùng phát ở Bồ Đào Nha đã được bắt nguồn từ một câu lạc bộ bóng đá. Hà Lan, Đan Mạch và Úc cũng đã báo cáo những ca nhiễm Omicron đầu tiên. Trước đó, các trường hợp đã được báo cáo ở Thụy Sĩ, Bỉ và Anh.
Một số quốc gia đang thắt chặt các hạn chế đi lại và nhập cảnh sau khi WHO cảnh báo vào hôm thứ Hai (29/11) về nguy cơ gia tăng ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, Reuters đưa tin. Nhật Bản cho biết họ sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ nửa đêm ngày 29/11 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Israel hôm thứ Bảy (27/11) đã trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới hoàn toàn để đáp trả với biến thể Omicron. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy (27/11) đã khuyến cáo không nên đi du lịch đến tám quốc gia Nam Phi.