Bến lửa lòng - sự thể nghiệm thành công của Sân khấu nhỏ 5B
(DNTO) - Với cách dàn dựng lôi cuốn, chặt chẽ, kịch bản có chiều sâu cùng với dàn diễn viên hợp vai, vở diễn Bến lửa lòng (tác giả: Vũ Trần – Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần) vừa ra mắt công chúng tại Sân khấu 5B Võ Văn Tần, nhận được nhiều lời khen từ công chúng và giới chuyên môn.
Khi hình ảnh bà Bí (Nghệ sĩ Tú Sương) cùng với cậu con trai của mình (Bảo Kun) xuôi chiếc thuyền trên dòng sông quê trong cuộc trở về ấm áp tình mẹ con, phía xa trên bờ sông, cặp đôi Bông (Gia Linh) và Côi (Quách Ngọc Tuyên) cùng vẫy tay gọi đò ơi, cũng là lúc đèn bật sáng trong những tràng vỗ tay kéo dài cùa khán giả.
Kịch bản Bến lửa lòng diễn ra gần 3 giờ đã làm được điều quan trọng nhất, khắc hoạ thành công những mảnh đời của các nhân vật, gieo đậm những ấn tượng trong lòng người xem về những hành trình đi tìm hạnh phúc của những người vùng quê sông nước. Bối cảnh chính của câu chuyện là cái lò gạch của bà Vàng (Ngọc Duyên thủ vai) và bến sông mênh mông nước của má Bí. Thế nhưng, tại đó, số phận của các nhân vật được mở ra với nhiều tình tiết khiến người xem vừa thương cảm vừa đau xót xúc động đến rơi lệ.
Trên hành trình đi tìm lại giá trị bản thân, chàng trai trẻ tháo vát, nhanh nhẹn - Dũng đã bước qua những rào cản của dư luận để chọn tiền thay tình yêu, những mong có được sự tôn trọng, cũng như bù đắp được cái tiếng "con không cha". Tuy nhiên, lọt vào lưới tình của người đàn bà trung niên chủ lò gạch Vàng (Ngọc Duyên thủ vai), Dũng cũng không thể là bờ vai vững chãi, mà chính anh cũng rơi vào vòng lẩm quẩn.
Vai Dũng là một phát hiện thú vị của sân khấu 5B, của đạo diễn khi lần đầu tiên đưa chàng ca sĩ trẻ lấn sân sàn gỗ. Dũng vừa già dặn, vừa non trẻ và đầy hấp lực nhưng anh cũng vẫn là một đứa trẻ khi cuối cùng tìm thấy sự bình yên bên người mẹ lúc tỉnh lúc mê của mình. Dũng do Bảo Kun thể hiện rất bốc đồng, lưu manh, toan tính và nhiều hằn học nhưng cuối cùng vẫn nhận được cảm thông bởi thân phận đã chịu quá nhiều bất hạnh.
Trong khi đó, khát khao lửa tình từ một người đàn ông khoẻ mạnh, Vàng cũng đã đuổi hình bắt bóng, khi đến cuối cùng nhận ra, cả hai người đàn ông liên quan đến cuộc đời mình lại chính là hai cha con. Họ giống hệt nhau về tính cách, sự mưu lợi cho bản thân hơn là tình yêu dành cho cô. Sự đau đớn ê chề đã khiến Vàng như không còn đủ sức để đứng vững. Người đàn bà xinh đẹp này vừa đáng thương, vừa đáng trách là một thành công của nghệ sĩ Ngọc Duyên. Trên sân khấu, Vàng của Ngọc Duyên đầy gợi cảm, quyến rũ và đam mê khiến khán giả không thể rời mắt.
Dự án kịch nói “Bến lửa lòng” ngay từ đầu đã gây chú ý bởi sự xuất hiện trở lại của NSƯT Tú Sương. Trước đó, NS Tú Sương từng được nhắc nhớ với vai Bé Hai trong kịch “Tình lá diêu bông“ (đạo diễn NSƯT Hữu Quốc). Lần dàn dựng này, đạo diễn Vũ Trần với những lời thoại được Trác Thúy Miêu trau chuốt, mang đến một bà Bí - vai diễn “đào điên” ấn tượng và khốc liệt, lấy nước mắt khán giả; đặc biệt với 5 phút độc diễn gần cuối kịch.
NSƯT Tú Sương khắc họa một người mẹ ngờ nghệch, nửa điên nửa tỉnh nhưng đầy lòng trắc ẩn, sống bình yên trong vòng tay yêu thương của người dân làng gạch. Cách diễn của Tú Sương khiến người xem vừa bật cười vì thương cảm, nhưng đôi lúc lại nghẹn ngào với số phận nhiều bi kịch.
Bên cạnh Tú Sương,Ngọc Duyên, Bảo Kun, tuyến các nhân vật của Hoàng Ngọc Sơn (ông Tường), Quách Ngọc Tuyên (Côi), Gia Linh (Bông), Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Hồng Đào... đã thật sự tròn vai, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể hợp lý, chinh phục người xem.
Đã gần 10 năm, Quách Ngọc Tuyên mới trở lại với kịch dài, nhân vật Côi của anh cùng mối tình với Bông (NS Gia Linh) nhận được sự ủng hộ của khán giả. Không còn một Quách Ngọc Tuyên bặm trợn, “đại ca” trong một số tác phẩm phim; Quách Ngọc Tuyên hóa thân thành Côi toát lên một tình cảm trong sáng, đơn phương nhưng bền bỉ.
Còn ông Tường của Hoàng Ngọc Sơn khá lạ với khán giả, khi nam diễn viên này vào vai một người đàn ông mưu mô, nghiện ngập và bất lực chỉ biết hành hạ gia nhân trong nhà... Bông của Gia Linh, cũng là một tiến bộ của nữ diễn viên trẻ này tại sân khấu 5B.
Bến lửa lòng cũng như các vở diễn khác của sân khấu 5B đã lựa chọn thủ pháp ước lệ với nhiều thể nghiệm trong bục bệ và cảnh trí. Thoát ly khỏi lối tả thực; dòng sông, rặng dừa hay lò gạch hiện lên trong tâm trí khán giả qua thiết kế mỹ thuật gợi hình. Họa sỹ Kim B cùng đạo diễn Vũ Trần và giám đốc sản xuất Mỹ Uyên sử dụng tối đa hiệu ứng ánh sáng và tỉ mỉ sắp đặt phân cảnh để những sinh hoạt, nếp sống của người dân lò gạch Nam bộ hiện lên gần gũi mà lại đầy chất thơ.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên - Giám đốc nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B chia sẻ, đây là tác phẩm chính kịch thứ hai của nhà hát sau vở Ái tình ngoài hôn nhân, được chị chăm chút và dành nhiều tâm huyết. Nhường sân khấu cho các bạn diễn, ngồi dưới xem các bạn hoá thân, Mỹ Uyên cùng khóc cười và mừng vui khi đo được cảm xúc của khán giả. Dù con đường đi còn nhiều khó khăn, nhưng với chị, tạo điều kiện để sân khấu sáng đèn, để các bạn diễn viên trở về bên nhau là quyết tâm mà chị cùng ê kíp luôn hướng đến.