Ái tình ngoài hôn nhân-Lời cảnh tỉnh cho những cuộc phiêu lưu cảm xúc
(DNTO) - Tối 28/6, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B công diễn vở “Ái tình ngoài hôn nhân” do đạo diễn Mỹ Uyên – Quốc Thịnh dàn dựng . Đây được xem là tác phẩm chính kịch mang đến nhiều hoài niệm với phong cách sân khấu thể nghiệm đậm chất “5B”.
Đã khá lâu, Sân khấu kịch 5B mới trình làng một tác phẩm chính kịch, với cách thể hiện mang nhiều dấu ấn thể nghiệm trước đây đã tạo nên thương hiệu của sân khấu này. Đó là cách dàn dựng mang tính ước lệ, tối giản cùng thiết kế sân khấu, nhưng vẫn chuyển tải được hồn cốt của câu chuyện với nhiều tình tiết, nút thắt tạo cảm xúc cho khán giả.
Ái tinh ngoài hôn nhân, với kịch bản của nữ tác giả Lê Thu Hạnh, ngay từ tựa đề đã gợi mở đến vấn đề chính. Những cuộc phiêu lưu tình ái ngoài hôn nhân, vốn không xa lạ được phim ảnh sân khấu khai thác nhiều, nhưng luôn hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên, để mỗi câu chuyện mang dấu ấn riêng đòi hỏi thử thách không nhỏ với đạo diễn dàn dựng.
Ái tình ngoài hôn nhân đặt ra một khúc mắc lớn mà bất cứ gia đình đô thị nào cũng có thể mắc phải: sự chịu đựng với chiếc gông mang tên “thiên chức”. Ngọc (NSƯT Mỹ Uyên) thành công trong sự nghiệp, có nhan sắc và dày công xây dựng, giữ gìn một gia đình toàn vẹn. Nhưng bổn phận bị mặc định đó trói buộc Ngọc vào guồng quay bất tận, lạnh lẽo của chính thành viên trong gia đình.
Ngọc vô hình trong mắt chồng – ông Hoàng (NS Trọng Hiếu ) – và cả trong mắt 2 đứa con của mình, Linh và Phong (diễn viên trẻ Phương Linh, Khánh Đăng). Nhờ vào gợi ý của Yến, một người bạn thân (Thu Hiền), Ngọc quyết định tạo ra một cuộc chơi tình ái mà không có ràng buộc. Trong cuộc chơi ấy, Ngọc tìm được Phát (NS Quốc Thịnh).
Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu tình ái kéo tất cả những người liên quan lún sâu không lối thoát, trong đó có cả Sương – vợ của Phát ( NSƯT Hạnh Thúy thể hiện). Những rạn nứt càng hằn sâu và cuối cùng tạo ra những đổ vỡ khó hàn gắn.
Theo chia sẻ của đạo diễn Mỹ Uyên, khi tiếp cận kịch bản, được sự ủng hộ của nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu, chị và đạo diễn Quốc Thịnh đã cảm thấy hứng thú. Cả hai quyết định bắt tay thực hiện đúng với đặc trưng của điểm diễn 5B Võ Văn Tần. Không tả thực bàn ghế, cửa rèm, boong tàu… mà hầu hết những bối cảnh trên sàn diễn đều mang tính ước lệ, đậm tính tả ý, mang thông điệp hướng đến đề cao giá trị của gia đình.
Sự gần gũi, không gian kịch ấm cúng khiến các diễn viên dễ dàng hoà nhập vào nhân vật. Bên cạnh dàn diễn viên chính nhiều kinh nghiệm: NS Mỹ Uyên, Trọng Hiếu, Quốc Thịnh, Hạnh Thuý, Thu Hiền,.. các diễn viên trẻ của nhà hát kịch cũng đã làm tốt vai trò, thổi vào nhân vật sức trẻ, hồn nhiên, đồng thời cũng mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả về những giá trị thiêng liêng mà gia đình luôn là nơi tìm về của các thành viên. Đặc biệt, vở diễn đánh dấu sự trở lại sàn gỗ của NS Trọng Hiếu.
Trọng Hiếu đã tạo dấu ấn với khán giả trong qua các vai diễn phim truyền hình, và đặc biệt là giọng nam truyền cảm trong địa hạt lồng tiếng. Do đó, với vai diễn Hoàng, NS Trọng Hiếu mang lại một ấn tượng vừa quen vừa lạ cho khán giả kịch nghệ.
Là một cây viết nữ nên trong từng lời thoại, Lê Thu Hạnh khai thác khéo léo, mềm mại nhưng sâu cay về sự chịu đựng của người vợ, người mẹ bộn bề giữa các mối quan hệ. Điểm mạnh của kịch bản còn về những lần chạm mặt đầy đau đớn, tủi nhục của các nhân vật khi phát hiện ra cuộc chơi ái tình mà người đầu ấp tay gối với mình đang quấn lấy.
Từ khi mở cửa trở lại năm 2018, một số vở diễn thể nghiệm đã được dựng mới tại sân khấu 5B: Những giấc mơ lóng lánh (đạo diễn Thái Kim Tùng), Bên đàng dệt mộng và Duyên ai (đạo diễn Quách Hồ Ninh), Chuyện tình nữ phạm nhân và vở “Chạy” (đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc), Công lý như mặt trời (đạo diễn Chánh Trực)…
Sau một thời gian, dù vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn chung của sân khấu kịch, NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát – vẫn quyết tâm đem trở lại những tác phẩm hấp dẫn về mặt thông điệp, nội dung; chuyên nghiệp về diễn xuất nhưng phải có tính thể nghiệm, thoát ra khỏi những dàn dựng quen thuộc. Vai diễn ông Đồ Hồng (Lâm Thắng) là sáng tạo đáng ghi nhận của phiên bản dàn dựng này, một cách sân khấu hóa khái niệm thời gian, bắt buộc các nhân vật tự tìm lời giải cho bi kịch chính mình.
Có thể thấy, dù được xem là mạo hiểm, khó tìm khán giả, nhưng Ái tình ngoài hôn nhân rất đáng chờ đợi, qua đó khán giả có dịp chiêm nghiệm lại những giá trị truyền thống, tìm lại những cảm xúc thăng hoa cùng các nghệ sĩ.