Ấn Độ trả giá vì các nước giàu vơ vét vaccine Covid-19
(DNTO) - Trong nhiều tháng, các quốc gia phát triển ồ ạt vơ vét vaccine Covid-19 và nguyên liệu sản xuất. Và giờ, "cơn sóng thần" dịch bệnh tại Ấn Độ có thể đe dọa cả thế giới.
Theo Bloomberg, các nền kinh tế giàu có buộc phải phản ứng khi Ấn Độ chìm sâu trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Hồi đầu tuần, Mỹ tuyên bố sẽ chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết để sản xuất vaccine cho Ấn Độ. Các nước châu Âu cũng cam kết hỗ trợ khi số ca mắc mới tại Ấn Độ liên tục phá kỷ lục.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết chia sẻ vaccine AstraZeneca cho Ấn Độ. Washington cũng thảo luận với các công ty dược về việc tăng nguồn cung vaccine và tạm thời hủy bản quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine chống Covid-19.
Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia y tế quốc tế nhận định những động thái này cho thấy "chủ nghĩa dân tộc vaccine" của các quốc gia giàu có đã phản tác dụng, khiến đại dịch kéo dài.
Các quốc gia phát triển ồ ạt vơ vét vaccine, tạo điều kiện cho virus hoành hành dữ dội ở các nước như Ấn Độ. Biến chủng mới của virus ở Ấn Độ cũng có thể đe dọa hiệu quả của các loại vaccine đang được triển khai ở Mỹ, châu Âu, Israel...
"Việc biến chủng hoành hành tại một quốc gia lớn như Ấn Độ có thể trở thành mối đe dọa ở mọi nơi", chuyên gia Ramanan Laxminarayan, nhà sáng lập Trung tâm Chính sách, Kinh tế và Động lực của dịch bệnh, khẳng định. "Việc Ấn Độ sớm kiềm chế dịch có lợi cho cả thế giới, và tiêm chủng là biện pháp duy nhất".
Biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ đang gây lo ngại lớn. Ông Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Gen thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết chủng này dễ dàng lây lan, thậm chí tấn công những người có miễn dịch từ trước. Dù vậy, các nghiên cứu cho thấy vaccine của AstraZeneca và Bharat Biotech có thể chống lại biến chủng này.
Tuy nhiên, dịch đang lây lan quá nhanh ở Ấn Độ và dẫn tới những mối đe dọa khác. Giáo sư William Haseltine thuộc Trường Y Harvard cảnh báo: “Có thể biến thể thế hệ thứ hai và và thứ ba của B.1.617 đang hoành hành tại Ấn Độ ngay lúc này, và chúng còn nguy hiểm hơn nhiều so với B.1.617”.
Ấn Độ đang oằn mình trong "cơn sóng thần" Covid-19. Các bệnh viện và nhà xác quá tải, gần 3.000 người thiệt mạng mỗi ngày. Các chuyên gia quốc tế cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. "Chúng ta đang chống lại một virus không bao giờ đứng yên một chỗ", CEO Moderna Stephane Bancel cảnh báo. "Tôi rất lo ngại về 6 tháng tới".
Các chuyên gia cho rằng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là cách duy nhất để Ấn Độ dập dịch. Trên thực tế, ngành công nghiệp vaccine Ấn Độ có quy mô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều bang nước này đã cạn kiệt nguồn cung vaccine.
Ông Adar Poonawalla - CEO Viện Serum Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất đất nước - chỉ trích chính quyền Mỹ đã "vơ vét" vaccine quá ồ ạt. Ông kêu gọi Washington mở cửa xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vaccine. Ông nhấn mạnh việc chính quyền Mỹ sử dụng Luật sản xuất quốc phòng để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ lao đao.
"Việc thiếu các nguyên liệu quan trọng dẫn tới sự tắc nghẽn. Cả chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi nguồn cung một nguyên liệu cạn kiệt. Vấn đề là phần lớn nguyên liệu này đến từ Mỹ", ông Rajinder Suri, CEO Mạng lưới Sản xuất Vaccine cho các nước đang phát triển, bức xúc.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Biden cho biết Mỹ có kế hoạch xuất khẩu 60 triệu liều vaccine AstraZeneca ra nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều nước giàu cần thay đổi chiến lược, bắt đầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Chỉ khi đó, đại dịch Covid-19 mới có thể được kiềm chế.