Vượt 'khúc quanh' của nền kinh tế: Doanh nghiệp Việt chọn Reno hay Ino?
(DNTO) - Nếu Reno (Renovation) được hiểu như sự cải tiến thì Ino (Inovation) lại là sự sáng tạo các mô hình mới. Các doanh nghiệp sẽ lựa chọn chọn mô hình nào và điều này tác động thế nào đến sự phát triển vững của họ là vấn đề mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra tại VIET NAM CEO FORUM 2024.
Hành động nhanh để vượt "khúc quanh"
Theo ông Lê Trí Thông - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ, chia sẻ tại VIET NAM CEO FORUM 2024 ngày 22/8, các doanh nghiệp Việt Nam như một đoàn tàu đang bước vào "khúc quanh" của "mùa đông".
"Hơn 30 năm nay, từ lúc chúng ta mở cửa nền kinh tế thị trường, những mô hình phát triển doanh nghiệp bắt đầu tới hạn cùng đó là câu chuyện về sự thay đổi thế hệ của lực lượng quản lý đang ngày càng trẻ, tư duy và góc nhìn mới, cách gắn bó với công ty cũng thay đổi", ông Thông cho biết. Ngoài ra, sự xuất hiện của công nghệ AI, sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các quốc gia trong thế giới mở... cũng đang đặt ra nhiều áp lực hơn cho doanh nghiệp.
"Đoàn tàu" Việt Nam đang đi trên một đường ray quá cũ mà tại đó, chúng ta chỉ có thể chỉnh động cơ hệ số nén, lắp động cơ mới, rút ngắn thời gian chạy, việc nâng lên đường cao tốc là điều không thể. Theo đó, Reno hay Ino là điều bắt buộc để mỗi doanh nghiệp có thể làm chủ cuộc chơi của mình.
Tại Vinamilk, Reno hay Ino được thực hiện hiên song song, tuy nhiên đây chỉ là phương tiện để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. "Vinamilk thực hiện bài toán lớn tái định vị thương hiệu, giữ được sự trung thành người tiêu dùng khi mà sự thay đổi hành vi người tiêu dùng ngày càng lớn", ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Điều hành Marketing Vinamilk cho biết.
Bà Nguyễn Trà My, đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn cho biết, PAN là tập đoàn chỉ hơn 10 tuổi nhưng nhiều công ty con đã có tuổi đời trên 50 tuổi. PAN đã thực hiện tái cấu trúc nhiều năm trước thông qua M&A nhiều công ty, việc Ino đã thành công. Theo đó hiện tại, doanh nghiệp đang tập trung cho Reno, điều này cũng một cũng phần xuất phát từ đặc thù, ngành nông nghiệp là ngành khó khăn khi phụ thuộc nhiều khí hậu, ngập mặn, sự bấp bênh của giá lương thực thế giới...
Bà Phạm Thị Bích Huệ, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Western Pacific kể lại về một buổi sáng kinh hoàng với bà cách đây khoảng 5 năm khi đứng trước đám cháy to bốc lên tại kho chứa hàng của công ty . "Tôi phải cầm cờ và vào trận chiến. Tôi chỉ còn duy nhất một con đường là phải Ino, không có sự lựa chọn nào khác", bà chia sẻ.
Lựa chọn Reno hay Ino, lựa chọn tập trung đổi mới những giá trị cốt lõi hay đột phá với những ý tưởng sáng tạo hoàn toàn mới chính là con đường riêng thể hiện chiến lược, tầm nhìn của nhà lãnh đạo và dựa trên thực lực của mỗi doanh nghiệp.
"Tín hiệu SOS" nào buộc doanh nghiệp phải Ino?
Thực hiện Reno hay Ino đều không hề đơn giản bởi tốn kém và khó. Tuy nhiên khi doanh nghiệp thực Reno không còn hiệu quả thì việc chuyển hướng đến Ino là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO Tập đoàn FPT, chỉ ra ba dấu hiệu doanh nghiệp buộc phải tạo đột phá. Thứ nhất, tăng trưởng hai năm liên tục chỉ đạt một con số. Thứ hai, tăng trưởng dịch vụ, sản phẩm mới đóng góp ít hơn 20% tổng doanh thu trong ba năm. Thứ ba là vấn đề quản trị hiền tài. "Nếu 3 năm mà liên tục mất người hiền tài thì cũng cần điều chỉnh", ông cho biết.
Tại Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc cho biết, doanh nghiệp sẽ dựa vào câu: "Khi bạn quan sát thấy tỷ lệ thay đổi bên ngoài cao hơn bên trong", đó chính là dấu hiệu để Ino hay Reno. Ngoài ra còn có các công cụ như: các dữ liệu quan sát hàng ngày, hàng giờ; tỷ lệ tăng trưởng liên quan đến thương mại, tỷ lệ so sánh của từng đối thủ... Mức độ càng cấp bách thì càng phải thay đổi mạnh mẽ.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Bích Huệ chia sẻ: "Công ty tôi có câu là: 'Đừng để sếp rảnh'. Khi tôi thấy vai trò của mình mờ nhạt thì đó là lúc phải làm gì đó, nhất là với ngành logistics vốn thay đổi nhanh theo xu thế". Theo đó, bà luôn chú trọng việc tìm hiểu, học hỏi để có thay đổi đúng hướng cho doanh nghiệp.
Dù doanh nghiệp đi theo hướng nào cũng không thể không nhắc đến vai trò của người đứng đầu. Người lãnh đạo dũng cảm, kiên định, và truyền cảm hứng cho nhân viên cùng đồng lòng sẽ là người dẫn dắt tập thể đi đến thành công, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
VIET NAM CEO FORUM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012. Năm nay, VIET NAM CEO FORUM có sự hội ngộ của hơn 1.000 CEO, những chuyên gia kinh tế hàng đầu và các vị quan khách. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM với nhiều hoạt động sôi nổi và nhiều ý nghĩa.